| 03-06-2024 | 08:09:17

Hệ thống ngân hàng gia tăng ứng dụng bảo vệ khách hàng

Từ ngày 1-7 tới đây, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Đây được xem là giải pháp thúc đẩy ngành ngân hàng ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hóa quy trình định danh khách hàng.

 

Từ ngày 1-7, khách hàng thanh toán trực tuyến 10 triệu đồng trở lên bắt buộc phải xác thực sinh trắc học để bảo đảm an toàn

Khách hàng yên tâm

Như thường lệ, mở điện thoại giao dịch chuyển khoản, chị Nguyễn Trần Vân Anh, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một lại thấy màn hình hiện lên thông báo “Bắt buộc” xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng. Ban đầu chị không quan tâm nhưng cả tháng nay thông báo cứ lặp đi, lặp lại khiến chị chú ý. Đọc kỹ, chị mới biết đây là quy định mới được yêu cầu từ ngân hàng. Gọi lên tổng đài, chị được hướng dẫn các bước cài đặt an toàn. “Tôi thường duy trì số dư không kỳ hạn để chủ động nguồn tiền. Tiền trong tài khoản để thanh toán trực tuyến giao dịch kinh doanh nên số dư thường khá nhiều. Trước đây, tôi cũng khá lo ngại nhưng nay đăng ký xác thực thấy an tâm”, chị Vân Anh kể.

Hiện rất nhiều ngân hàng liên tục gửi tin nhắn thông báo thúc giục khách hàng nhanh chóng cài đặt và xác thực sinh trắc học vân tay, khuôn mặt trên ngân hàng số để tránh gián đoạn giao dịch giá trị lớn trong những ngày tới. Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng VietABank, trong tháng 5, ngân hàng đã triển khai tính năng xác thực thông tin khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip do đã tích hợp khả năng đọc NFC và đã được xác nhận bởi C06-Bộ Công an vào quy trình cho việc mở tài khoản online (eKYC). Việc xác thực sinh trắc học giúp khách hàng giảm thiểu tối đa rủi ro, tiết kiệm thời gian khi tra soát định danh.

Đại diện Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết nếu khách hàng chưa có hoặc bị mất CCCD gắn chip sẽ không có cơ sở để thu thập dữ liệu. Để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn, khách hàng nếu chưa được cấp hoặc làm mất CCCD gắn chip cần chủ động cập nhật, làm lại. Sau gần một tháng triển khai, tại TPBank mỗi ngày có trung bình 10.000 - 15.000 mẫu khuôn mặt và CCCD được cập nhật vào kho dữ liệu của TPBank từ tất cả kênh. Trong đó, hơn 80% số này do khách hàng chủ động thực hiện.

Tăng tính bảo mật

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), cũng cho biết hiện có khoảng vài trăm ngàn khách hàng chủ động cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Từ đầu tháng 6 này, ngân hàng sẽ gửi thông báo tới khách hàng, ưu tiên trước với nhóm thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng CCCD cũ (chưa gắn chip), nhằm gia tăng bảo vệ khách hàng.

Các chuyên gia công nghệ ngân hàng cho biết trong bối cảnh tình trạng lừa đảo, hack tài khoản ngân hàng tăng cao như hiện nay, việc áp dụng tính năng bảo mật 2 lớp, xác nhận sinh trắc học trước khi chuyển khoản sẽ có tác động tích cực đến trải nghiệm người dùng, gia tăng khả năng phục vụ khách hàng.

Nói rõ hơn mục dích của việc phải xác thực bằng sinh trắc học, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là bảo đảm chính chủ đang thực hiện giao dịch, xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật chứ không phải là hình ảnh cài trên điện thoại. Khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ CCCD gắn chip do Bộ Công an quản lý. Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học trong chíp của CCCD, tài khoản hoặc dữ liệu sinh trắc học trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất cho người dùng.

 Theo quy định, từ ngày 1-7 chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc hơn 20 triệu đồng mỗi ngày phải được xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên CCCD gắn chip. Ngoài ra, việc chuyển đổi ứng dụng giao dịch trực tuyến, hoặc thanh toán hóa đơn định kỳ trên 100 triệu đồng cũng được một số ngân hàng yêu cầu phải xác thực bằng hình thức này.

 THANH HỒNG

 

Chia sẻ