| 22-07-2019 | 08:14:41

Hệ thống quỹ tín dụng: Củng cố để phát triển

Tuy có những khó khăn nhất định, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, hệ thống quỹ tín dụng (QTD) trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng ổn định, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo tại các địa bàn đứng chân.

 Các chỉ tiêu cơ bản tăng trưởng tốt

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cùng với các tổ chức tín dụng khác, 10 QTD tiếp tục phát triển ổn định. Theo đó, hoạt động của hệ thống 10 QTD đang hoạt động tại 38 phường, xã với 18.565 thành viên duy trì được tốc độ tăng trưởng, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Đặc biệt, các QTD đã phát triển theo đúng định hướng, đạt mục tiêu chuyển tiếp hoạt động theo Thông tư 04 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.

Đối với các chỉ tiêu cơ bản như tổng nguồn vốn hoạt động, tính đến cuối tháng 6-2019 đạt trên 1.710 tỷ đồng, tăng 6,38% so với đầu năm; tổng nguồn vốn huy động đạt trên 1.535 tỷ đồng, tăng 5,85%; tổng dư nợ cho vay trên 1.131 tỷ đồng, tăng 2,92%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu đã được khống chế dưới mức cho phép, ở mức 1,1% (giới hạn cho phép là 3%), nợ xấu của các QTD cũng được trích lập dự phòng rủi ro… Các QTD đều kinh doanh có lãi, với kết quả kinh doanh trong kỳ, lũy kế đến cuối tháng 6 đạt tỷ lệ tăng 16,5%...


Hệ thống QTD đang tích cực tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại QTD Phước Hòa

Đánh giá tình hình hoạt động của hệ thống QTD trên địa bàn tỉnh từ NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết nhìn chung các QTD trên địa bàn đều hoạt động hiệu quả, đã có nhiều nỗ lực trong công tác nguồn vốn, bảo đảm cân đối nguồn huy động vốn tại chỗ đáp ứng nhu cầu cho vay của các tổ chức tín dụng. Qua đó, cũng cho thấy công tác sử dụng vốn tốt, chất lượng tài sản bảo đảm, vốn khả dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả của bà con thành viên.

Khắc phục khó khăn

Bình Dương hiện đã thu hút hầu hết các tổ chức tín dụng trong nước đến hoạt động. Vì vậy, hoạt động cạnh tranh trong thu hút tiền nhàn rỗi, tín dụng khá gay gắt. Hơn nữa, các QTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại địa bàn hoạt động theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN và Thông tư 06/2017/TT-NHNN của NHNN Việt Nam nên ít nhiều khó đạt quy mô tăng trưởng cao như các năm trước.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc QTD An Thạnh (TX. Thuận An), cho biết thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020, đến nay đơn vị đã triển khai thực hiện phương án và chấp hành chế độ báo cáo tiến độ theo quy định của NHNN. Trong đó, đơn vị hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu khắc phục theo phương án như đáp ứng điều kiện hoạt động liên xã, khắc phục xong các thành viên có tỷ lệ góp vốn tối đa trên 10%, các thành viên có hộ khẩu ngoài địa bàn, tỷ lệ tiền gửi của thành viên so với tổng mức tiền gửi đạt trên 60% tại trụ sở và phòng giao dịch. Theo bà Nga, khó khăn hiện nay của quỹ là về số lượng thành viên, nguồn vốn huy động, dư nợ cho vay tuy có tăng trưởng nhưng có thời điểm chưa đạt so với chỉ tiêu phấn đấu theo lộ trình phương án đã xây dựng. Nguyên nhân, số lượng thành viên thường xuyên thay đổi do không có nhu cầu vay vốn, chuyển cư trú, không góp vốn thường niên nên bị khai trừ theo quy định, hay như việc khắc phục không cho vay đối với số thành viên cư trú ngoài địa bàn cũng phần nào ảnh hưởng đến dư nợ cho vay.

Đại diện QTD Phước Hòa (huyện Phú Giáo) chia sẻ, theo phương án QTD Phước Hòa phải tách phòng giao dịch (PGD) Phước Vĩnh ra để thành lập thêm quỹ mới vì có địa bàn thị trấn Phước Vĩnh không liền kề với xã Phước Hòa nơi đặt trụ sở chính. Vì vậy, nếu thực hiện phương án chia tách quỹ thì quỹ sẽ gặp khó khăn, rủi ro khi thu dư nợ.

Tuy còn có nhiều khó khăn khác nhưng khi triển khai thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, ngành, song các QTD đều có chung nhận thức, việc triển khai thực hiện theo Thông tư 04 và Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ là một đòi hỏi tất yếu và cần thiết nhằm góp phần đưa hệ thống QTD phát triển ổn định, an toàn và bền vững; góp phần hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác xã nói riêng và nông nghiệp - nông thôn nói chung. Vì vậy, các QTD đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục, đáp ứng tối đa yêu cầu xử lý nợ xấu theo tinh thần quyết liệt, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết trong thời gian tới, QTD AN Thạnh đề ra 6 giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành. Trong đó, tiếp tục thực hiện phương án chấm dứt hoạt động tại 2 phường không liền kề là Bình Chuẩn, An Phú. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền về mô hình QTD, vận động phát triển thành viên, tăng nguồn vốn huy động từ thành viên và tăng dư nợ cho vay tại các địa bàn đang hoạt động… Ông Trần Văn Xoan, Chủ tịch HĐQT QTD Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), cho biết quỹ tiếp tục nâng cao năng lưc quản trị, điều hành nhằm kiểm soát rủi ro đến mức cao nhất. Bên cạnh đó, tiếp tục cải tiến thủ tục hồ sơ phục vụ tốt nhất nhu cầu gửi tiền, vay vốn của thành viên và khách hàng…

Tuy còn có nhiều khó khăn khác nhưng khi triển khai thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, ngành, song các QTD đều có chung nhận thức, việc triển khai thực hiện theo Thông tư 04 và Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ là một đòi hỏi tất yếu và cần thiết nhằm góp phần đưa hệ thống QTD phát triển ổn định, an toàn và bền vững; góp phần hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác xã nói riêng và nông nghiệp - nông thôn nói chung. Vì vậy, các QTD đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục, đáp ứng tối đa yêu cầu xử lý nợ xấu theo tinh thần quyết liệt, hiệu quả.

 THANH HỒNG

Chia sẻ