| 13-03-2020 | 08:24:22

Hiến đất xây mộ, tỏ lòng thành trước người đi mở cõi

Dù tuổi đời đã ngót nghét 80, sức yếu, nhưng mỗi ngày ông Lê Văn Để (ấp Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) vẫn đều đặn đốt nhang, chăm sóc ngôi mộ cổ Trần Thượng Xuyên, một vị tướng tài, cũng là người có công khai khẩn, mở mang kinh tế vùng đất Đồng Nai-Gia Định một thời. Ông làm việc này chỉ để tỏ lòng thành kính.

 Bia ghi lại tiểu sử và sự nghiệp Trần Thượng Xuyên

 Linh thiêng ngôi mộ cổ

Ngôi mộ cổ nằm trên đường ĐT746, kín cổng cao tường. Bên trong khuôn viên mộ có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, người đi đường thường xuyên bắt gặp hình ảnh một cụ ông lom khom lau dọn bia mộ mỗi ngày. Thế nhưng, ít ai biết được sự tích về ngôi mộ ấy, một vị tướng thời đương triều nhàMinh (Trung Quốc), do bất mãn nhà Thanh đã cùng thuộc hạ của mình trốn sang Việt Nam khai khẩn, lập phố.

Ông Lê Văn Để kể lại, bản thân đến vùng đất Tân Mỹ khai khẩn đất, lập gia đình từ thời trai trẻ. Từ đó, ông đã biết trên đất nhà mình có 4 ngôi mộ đá, dân làng gọi là“mã Chệt”, rất linh thiêng. Người dân làng ít ai bén mảng đến đây. Ngay cả lũ trẻ tinh nghịch chăn trâu, bò trong vùng khi qua đây cũng không dám to tiếng. Tương truyền rằng, những năm chiến tranh ác liệt, dân quân du kích địa phương trên đường trở về Chiến khu Đ, bị giặc phục kích thì chạy ẩn núp vào khu mộ. Rất kỳ lạ, quân địch dù cố gắng vạch cỏ truy lùng cũng không bao giờ tìm thấy bóng dáng đối phương… Thời gian trôi qua, thi thoảng ông vẫn nhang khói trên ngôi mộ vô danh, sống yên lành trên mãnh đất của mình.

Tự nhận mình là người nhà quê, ít chữ, nhưng khi có khách đến tham quan khu mộ, nói về vị tướng Trần Thượng Xuyên, có thể nói ông Để sánh ngang vai với một MC. Ông nói vanh vách về cuộc đời, chiến công lừng lẫy của người quá cố. “Ngày ấy đã cách đây 27 năm, khi tôi đang làm vườn thì có nhiều người tìm đến. Họ xin gặp tôi để xác minh về lai lịch ngôi mộ. Sau vài lần tới lui, họ cho biết đây chính là mộ của một vị tướng, người có công khai khẩn vùng đất Đông Nam bộ, lập nên trấn Cùlao Phố (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), một đô thị sầm uất ngày ấy. Qua đó, tôi thấy ngỡ ngàng và càng kính trọng với người có công với đất nước. Từ đó, tôi hiến đất để làm khuôn viên ngôi mộ, nhờ con cái sưu tầm nhiều sách sử Bình Dương, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh viết về tướng Xuyên để tham khảo”, ông Để nhớ lại.

Ông Để nói thêm, về sau này tôi mới biết những người đi tìm mộ đến từ Đồng Nai, họ lớn lên từ Cù lao Phố. Bởi ông Trần Thượng Xuyên được lịch sử xác định là người có công lớn trong công cuộc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Công đức của ông được nhân dân ghi tạc, cung kính gọi là đức ông và tôn ông làm Thần hoàng bổn cảnh, thờ tại đình Tân Lân, TP.Biên Hòa.

Trải qua thời gian và chiến tranh, mộ của tướng Xuyên bị thất lạc không rõ địa điểm. Sau khi hòa bình lập lại, Ban quý tế đình Tân Lân nỗ lực tìm kiếm mộ ông và bằng sự kiên trì cùng nhiều cơ duyên, ông Lâm Văn Lang, Trưởng ban quý tế đình đã tìm được mộ vào năm 1994. “May mắn khi ông Lang đến đây, tấm bình phong đá án ngữ khu mộ cổ còn sót vài chữ Hán chưa phai. Từ văn tự khắc trên tiền án, cho biết chủ nhân là người họ Trần, quê quán tỉnh Quảng Đông. Qua thư tịch cổ ghi chép về nơi chôn, cộng thêm vị trí ngôi mộ vừa phát hiện nằm ở địa thế cực đẹp theo phong thủy, trước có sông làm tiền án, sau có núi làm hậu chẩm, nên mọi người xác định đây chính là mộ đức ông Trần Thượng Xuyên. 3 ngôi mộ còn lại nhỏ hơn trong khuôn viên này, có thể là của các bộ tướng hay người thân của tướng Xuyên”, ông Để cho biết.

Sau khi được Ban quý tế đình Tân Lân trùng tu gia cố theo nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng kiến trúc, xây thêm cổng chính, tường rào bảo vệ, nhà tưởng niệm... năm 2004, khu mộ cổ đức ông Trần Thượng Xuyên được tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hàng năm, Ban quý tế đình Tân Lân đều tổ chức tảo mộ và cúng tế vào các dịp thanh minh.

Người có tài kinh doanh

Theo sách sử ghi chép, Trần Thượng Xuyên quê tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), là  quan của triều nhà Minh. Năm 1644, nhà Mãn Thanh đánh chiếm hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, lập nên triều Thanh. Trần Thượng Xuyên tham gia phong trào kháng Thanh. Tuy nhiên, theo thời gian triều đình nhà Thanh ngày càng ổn định vững chắc, lực lượng kháng Thanh thất bại và bị tiêu diệt dần. Năm 1679, Trần Thượng Xuyên cùng quân của mình và gia đình rời Trung Quốc đi tị nạn. Chỉ riêng đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên đã lên đến 50 chiếc cùng với khoảng 3.000 người đến cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng xin thần phục nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần thu nhận ban cho chức cũ và sai đến ở đất Đông Phố (Đồng Nai ngày nay). Đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ tiến vào định cư ở Bàn Lân (nay thuộc TP.Biên Hòa).

 Ông Lê Văn Để nói về lịch sử ngôi mộ cổ

Buổi đầu định cư, nhóm Hoa kiều đã nỗ lực khắc phục thiên nhiên, khai thông nguồn nước để trồng trọt, mở mang đường ngõ để ổn định lâu dài... Với tập quán của người Hoa không mạnh phát triển về nông nghiệp, nhóm Trần Thượng Xuyên đã sớm phát hiện ra thế mạnh của Cù lao Phố có vị trí quan trọng trong kinh doanh, cả đường thủy lẫn đường bộ. Cù Lao Phố nằm nơi sông sâu, có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, hay xuống phía Nam ra biển Cần Giờ và sang tận Cao Miên (Campuchia). Vì thế phần lớn người trong nhóm Trần Thượng Xuyên đã chuyển cư từ Bàn Lân về Cù lao Phố lập bến, mở đường, xây dựng phố chợ. Các luồng giao thương từ Cù lao Phố đi khắp trong và ngoài nước. Xuất khẩu chính là lúa gạo và gỗ, ngoài ra còn có lâm thổ sản địa phương như: trầm hương, ngà voi, sừng tê, da thú, nhựa sơn, dược liệu, tôm khô, cá khô cùng những sản phẩm nông nghiệp khác.

Đến thế kỷ XVIII, những di dân người Hoa đã biến Cù lao Phố thành một thương cảng xuất nhập khẩu lớn thu hút thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa và cả các nước phương Tây đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Công cuộc giao thương ở Cù lao Phố đã hình thành nên lớp người làm “dịch vụ” như: thu gom và phân phối hàng hóa, các dịch vụ về ăn ở, vận chuyển… số lượng dân đến khai phá, định cư tại đây đã lên đến 40.000 hộ, cho thấy sự sầm uất của thương cảng bậc nhất Cù lao Phố thời bấy giờ.

Bên cạnh tài kinh doanh, Trần Thượng Xuyên còn là một võ tướng tài ba, nhiều lần lập chiến công lớn giúp chúa Nguyễn ổn định tình hình ở Đàng Trong và mở mang bờ cõi phía Nam. Vào các năm 1689, 1699, 1700, 1714 ông đã xuất quân hỗ trợ các thế lực thân với nhà Nguyễn ở triều đình Chân Lạp giữ vững ngôi vua.

Sau khi ông Trần Thượng Xuyên mất, di hài được an táng trên khu thổ mộ của gia tộc tại vùng đất ở phía Bắc trấn thành Biên Hòa, thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định (nay thuộc ấp Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên). Trải qua mấy thế kỷ, chinh chiến liên miên, vật đổi sao dời nên mộ Trần Thượng Xuyên đã bị mất dấu vết dưới lớp bụi dày thời gian. Đó cũng là niềm day dứt của hậu duệ dòng họ Trần Thượng. Mãi đến năm 1994, nhờ ba cơ duyên lớn đến: thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên Ban hội đình Tân Lân đã cất công đi tìm và xác định được vị trí ngôi mộ cổ.

 QUANG TÁM

Chia sẻ