Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa được điểm tô một màu xanh đặc trưng của quê hương, xứ sở với hàng trăm cây dừa hiên ngang trong nắng gió. Bao đời nay, đảo có vị trí chiến lược trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tại đây, chúng tôi lại được nghe một câu chuyện khá thú vị về tình cảm của “đảo dừa” với Tỉnh đoàn Bình Dương.
Dừa in đậm trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết. Trong ảnh: Các chiến sĩ gom dừa, ươm mầm để đem tặng các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa.
Ảnh: K.VINH
“Đảo dừa” nắng gió…
Nắng chiều xiên qua từng đám mây trôi lơ lửng, tạo một màu hoàng hôn rực đỏ trên biển cả. Một hồi còi hú vang báo hiệu, chúng tôi vội chạy lên boong tàu 996, trước mắt đã hiện lên một dải cát vàng thoai thoải trong gió biển mặn môi. Giữa biển cả, dải cát vàng được điểm tô thêm bằng một lũy dừa xanh ngát. Nam Yết đối với chúng tôi là một sự chờ mong, vì là điểm đến cuối cùng trong chuyến công tác dài ngày ở Trường Sa lần này. Bởi thế, giây phút được đặt chân lên đảo cũng là khoảnh khắc vỡ òa bao cảm xúc dồn nén đợi chờ.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng xem lại biên bản kết nghĩa giữa đảo Nam Yết và Tỉnh đoàn Bình Dương được ký kết năm 2009. Ảnh: K.VINH
Đảo/thôn Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Không ở nơi nào trên huyện đảo Trường Sa có nhiều dừa như ở Nam Yết. Những rặng dừa thẳng tít tắp theo lối đi, dừa che cho chiến hào, dừa xanh trên mái nhà bộ đội ở… Dừa hiện diện ở khắp nơi trên đảo, trở thành người bạn thân thiết của cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bảo vệ đảo.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, chính trị viên đảo Nam Yết đưa chúng tôi đi khắp các nẻo đường của đảo, dưới những tán dừa xanh ngát đầy tự hào: Cho đến nay, chỉ có Nam Yết mới phát triển được dừa số lượng lớn, gần như các đảo còn lại đều không thể trồng dừa như đảo này, kể cả mang dừa giống từ Nam Yết sang trồng”.
Dừa ở Nam Yết trở thành thứ cây xanh đặc trưng quý hiếm. Những năm gần đây, sau nhiều lần nghiên cứu phát triển, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, chỉ có thể mang dừa từ Nam Yết sang các đảo khác trồng với số lượng rất nhỏ, dừa mới có thể phát triển từ từ được. Chính vì thế, giờ đây Nam Yết trở thành “vựa dừa giống” của cả quần đảo Trường Sa. Thời gian ngắn ngủi lưu lại đảo tôi còn nghe khá nhiều câu chuyện khác liên quan đến dừa tại đây. Dừa ngoài tác dụng che chắn gió bão, lá dừa phải được tỉa theo định kỳ để ủ làm phân xanh. Trái dừa rất hiếm khi được thu hoạch để ăn hay uống nước, mà chỉ để già khô trên cây trước khi đem ủ một góc để nảy mầm làm dừa giống cho các đảo. Nói chung là rất nhiều câu chuyện từ cây dừa, khiến cho khách đến thăm đảo có cảm giác đang lạc vào giữa xứ dừa xa lắc lơ nào đó.
Nghĩa tình Nam Yết
Ngày họp Đoàn công tác trước khi khởi hành từ Quân cảng Cam Ranh, chúng tôi cố gắng tìm kiếm ít thông tin về Trường Sa có liên quan đến Bình Dương. Nhưng rất khó để chúng tôi có được những thông tin ấy. Rồi một ngày, khi tàu đang neo bên ngoài đảo Song Tử Tây chờ thời tiết thuận lợi để vào đảo, tôi trò chuyện với trung tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146 thì bất ngờ nhận được thông tin quý giá từ anh: “Tôi nhớ là đảo Nam Yết có kết nghĩa với Tỉnh đoàn Bình Dương. Hồi ấy, khi còn làm công tác Đoàn ở trong đất liền, chính tay tôi đã viết bản ký kết ghi nhớ, có lần còn cùng một số anh cán bộ Đoàn vào Bình Dương dự Đại hội Đoàn cấp tỉnh”.
Để xác nhận thời điểm cụ thể 2 bên ký kết nghĩa, chúng tôi có cuộc điện thoại nhanh với chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương và được chị khẳng định: “Đúng là Tỉnh đoàn Bình Dương có kết nghĩa với đảo Nam Yết từ năm 2009, nhưng sau đó bị mất liên lạc. Mong Tổ công tác Bình Dương đợt này có ra Nam Yết làm nhịp cầu kết nối trở lại…”. Kể từ đó, tôi chỉ mong thời gian trôi nhanh qua để sớm được đặt chân lên đảo Nam Yết, tiếp tục tìm kiếm thông tin, mong nối lại nhịp cầu nghĩa tình giữa Tỉnh đoàn Bình Dương với đảo xa.
May mắn là khi lên đảo, chúng tôi lại gặp đúng thượng tá Nguyễn Văn Dũng, chính trị viên đảo Nam Yết và anh hồ hởi nói: “Thì tôi cũng là một trong 3 người soạn biên bản ghi nhớ chứ ai! Sau này chúng tôi cũng không thể liên lạc với Tỉnh đoàn Bình Dương do điều kiện mỗi năm thay chỉ huy một lần nên số điện thoại mất cả, lại không có điều kiện vào tận Bình Dương để kết nối trở lại”. Nói xong, anh Dũng lần giở từng tập tài liệu tìm biên bản ký kết giữa hai bên. Sau một hồi, anh đưa cho tôi biên bản ghi nhớ kết nghĩa giữa đảo Nam Yết với Tỉnh đoàn Bình Dương.
Biên bản ký vào ngày 7-6- 2009, về phía đảo Nam Yết có trung tá Đàm Quốc Đạt, chỉ huy đảo Nam Yết lúc bấy giờ; đại diện Tỉnh đoàn Bình Dương là anh Võ Văn Minh, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh đoàn. Mục đích của việc kết nghĩa được ghi trong biên bản là: “Nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân dân giữa cán bộ đảo Nam Yết và Tỉnh đoàn Bình Dương thông qua hoạt động kết nghĩa nhằm làm cơ sở giáo dục nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực vận động quần chúng, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tự giác và trách nhiệm các tổ chức vững mạnh”.
Chia tay đảo Nam Yết, bắt đầu hành trình quay về đất liền, thượng tá Nguyễn Văn Dũng ra tận cầu cảng chia tay chúng tôi và không quên nhắn nhủ: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc cho sự gián đoạn thời gian vừa rồi. Nếu có cơ hội nhờ Tổ công tác Bình Dương khi về đất liền đóng vai trò làm nhịp cầu nối lại những nghĩa tình giữa hai bên. Mong rằng sau này, đảo Nam Yết với Tỉnh đoàn Bình Dương tiếp tục trở thành hai đơn vị gắn bó keo sơn với nhau, phát huy tinh thần quân dân kết hợp để tuyên truyền sâu rộng hơn về Trường Sa, về biển đảo quê hương đến với thế hệ trẻ Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung”.
Theo PGS.TS Trần Đức Thạnh, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường biển, người đã nhiều lần tham gia nghiên cứu, khảo sát tại quần đảo Trường Sa nhìn từ xa, đảo Nam Yết như một dải lụa màu xanh nổi lên trên biển với những rặng dừa thách thức nắng gió khơi xa. Vì thế, không biết tự bao giờ, Nam Yết được gọi bằng cái tên trìu mến, dân dã “đảo dừa”. Năm 2004, “đảo dừa” Nam Yết vinh dự được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
LÝ KHÁNH VINH