| 24-10-2021 | 19:38:30

“Hiệp sĩ” bóng đêm, ánh sáng giữa mùa dịch

(BDO) Ở tuổi mười chín đôi mươi, Lê Anh Tuấn (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) nằm trong tốp 10 thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì đã có việc làm hết sức ý nghĩa “chuyên cứu người gặp nạn trong đêm khuya”. Biệt danh “hiệp sĩ” bóng đêm gắn với công việc của Tuấn trong suốt 4 năm qua. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn Bình Dương, Tuấn đăng ký vào tuyến đầu chống dịch của TP.Thủ Dầu Một, thực hiện nhiều công việc ý nghĩa giúp dân.

Những câu chuyện khó quên

Dịch bệnh Covid-19 đang dần được đẩy lùi, người dân TP.Thủ Dầu Một rất phấn khởi. Dù vậy, Tuấn vẫn lặng lẽ trong đêm khuya trên các cung đường để giúp người gặp nạn. 

Khoảng thời gian này, Tuấn song hành cùng lúc hai nhiệm vụ, vừa giúp người bị tai nạn giao thông, vừa hỗ trợ Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một chuyển viện F0 khi cần. Mỗi ngày, công việc của Tuấn kết thúc vào tầm 3 giờ sáng.

Nhờ sự tận tâm của Tuấn, một cựu giáo viên tạm trú ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một được nối thành công cánh tay bị đứt lìa.

Sau nhiều cuộc hẹn, Tuấn mới sắp xếp được thời gian để trò chuyện với chúng tôi.  Gương mặt hơi hốc hác vì thiếu ngủ sau thời gian dài tận tụy với công việc, nhưng Tuấn vẫn rất vui, nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng và trưởng thành hơn trong suy nghĩ. 

Rất khó để Tuấn nhớ lại mình đã làm được bao nhiêu việc ý nghĩa giúp đời, giúp người, chỉ án chừng đã chuyển viện cho khoảng 500 ca cấp cứu gặp nạn trên đường sau 4 năm gắn bó. 

4 tháng tham gia vào tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, lúc thì Tuấn vận chuyển vật tư y tế theo phân công của ngành y tế TP.Thủ Dầu Một, lúc thì hỗ trợ vận chuyển F0 từ khu dân cư, khu nhà trọ đến khu điều trị tập trung. Thông qua những người bạn ở Tây nguyên, Tuấn đã hỗ trợ người dân khó khăn, công nhân lao động của TP.Thủ Dầu Một nhiều tấn hàng như rau, củ, quả trong những ngày giãn cách.

Kỷ niệm khó quên nhất của Tuấn trong những ngày xảy dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, đó là chuyển viện cho một cụ bà trên 80 tuổi trong đêm khuya ở phường Chánh Nghĩa trong tháng 7 vừa qua. Tuấn nhớ lại: “Lúc đó chưa thực hiện giãn cách toàn tỉnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa quá phức tạp. Thời điểm đó em chưa tham gia tuyến đầu, chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Cứ nghĩ đó là căn bệnh thông thường, nên khi bế bà lên xe và chở đến bệnh viện thì qua test nhanh bà bị nhiễm Covid-19, bản thân em rất lo. Em là thanh niên, sức khỏe tốt nên không đáng ngại, chỉ lo cho cha mẹ ở nhà, nếu không may lây bệnh từ mình thì hối hận lắm”.

Trong những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19, Tuấn miệt mài chạy xe vận chuyển F0.

Nhưng thay vì lo lắng, phải ngồi nhà và không làm gì, trong khi bản thân chưa thể từ bỏ công việc cứu người mỗi ngày, ngay lập tức Tuấn đăng ký với Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một xin vào tuyến đầu chống dịch. “Lúc đó dịch bệnh ngày một phức tạp, trong khi trung tâm lại thiếu xe cấp cứu. Nhà em có 2 chiếc xe, nên em cho trung tâm mượn một xe, đến giờ em vẫn chưa lấy xe về; chiếc còn lại thì em chạy. 

Theo chỉ đạo của trung tâm, khi cần hỗ trợ việc gì là em làm việc đó. Khoảng thời gian này F0 chưa điều trị tại nhà nên có ngày em chuyển viện F0 3 đến 4 lượt. Công việc không nặng nhọc nhưng có phần áp lực hơn ngày thường rất nhiều. Đó là sau khi về đến nhà, mình phải khử khuẩn, giặt quần áo bằng nước nóng, giấc ngủ thì chập chờn bởi có thể gọi đi bất cứ lúc nào. Mà khi chuyển F0 cũng không hề đơn giãn, phải hướng dẫn người bệnh đăng ký qua Trung tâm Y tế phường, đến các nơi điều trị phải thực hiện đầy thủ tục, mất rất nhiều thời gian”, Tuấn tâm sự.

Một việc khó khăn nhất mà Tuấn gặp phải trong những ngày này là khi cấp cứu cho một cựu giáo viên đang tạm trú tại phường Phú Hòa. Vì xích mích và ném đá vào một xe vận chuyển F0 từ TP.Thuận An về TP.Thủ Dầu Một, người này bị tài xế dùng mã tấu chém đứt lìa tay. 

Tuấn kể, trưa hôm đó, bạn nhận được tin là lên đường ngay. Nhưng khi chở theo cả nạn nhân và cánh tay ướp đá đến tuyến y tế cao nhất của Bình Dương thì Tuấn nhận được câu trả lời thiếu xe cứu thương và cũng không có tài xế để chuyển viện. Nếu chần chừ, không quyết định ngay thì cánh tay này bị hoại tử, nạn nhân sẽ tàn phế, nên Tuấn quay đầu xe đi về Sài Gòn. 

“Khó khăn lắm, để qua các chốt kiểm dịch em phải trình bày nhiều lý do để cứu người. Khi đến một bệnh viện lớn ở Sài Gòn thì các bác sĩ ở đây không nhận, do bệnh viện đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Em điện thoại cầu cứu khắp nơi. Sau gần 4 giờ chờ đợi, cuối cùng nạn nhân được Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và nối thành công cánh tay. Khi về đến nhà, em mệt lả người, nhưng vui vì làm thêm được một việc có ích...”, Tuấn tâm tình.

Trụ cột gia đình

Đã 4 năm trôi qua, ngày nào cũng vậy, khi mọi người yên giấc ngủ thì Tuấn vẫn túc trực bên điện thoại, chạy xe trên các cung đường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một và các địa phương lân cận để cứu người. Đó có thể là trường hợp say xỉn, cũng có người không may bị lạc tay lái dẫn đến chấn thương. Từ chỗ không biết gì về cấp cứu, Tuấn lần mò học hỏi nghiệp vụ, trang bị đầy đủ trên xe cứu thương bình oxy, băng ca, nẹp gỗ và nhiều dụng cụ khác rất chuyên nghiệp. 

Anh Tuấn đã kết nối với những người bạn hỗ trợ nhiều tấn rau, củ, quả cho công nhân lao động trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một.

Mỗi đêm, Tuấn chỉ ngủ được chừng 2 tiếng đồng hồ, từ 3-5 giờ sáng, sau đó chạy xe từ Bình Dương về chợ đầu mối Thủ Đức để lấy hàng rau, củ, quả về chợ Thủ dầu Một cho mẹ bán. 

“Nhiều năm nay, công việc kinh doanh trong gia đình do em sắp xếp toàn bộ. Hôm nào em bận việc phải đi đâu, hay ốm đau xem như mẹ nghỉ bán. Mà anh biết đó, đã kinh doanh thì phải có mối lái, uy tín, mình bỏ việc một hôm là bị gọi điện cháy máy, thậm chí mất khách hàng. Rất nhiều đêm em phải thức trắng, bởi sau khi vận chuyển cấp cứu về đến nhà thì đã đến giờ đi lấy hàng”, Tuấn tâm sự.

Tuấn tâm tình: “Dù nói ra thì mọi người vẫn rất khó cảm nhận, trừ khi họ làm việc như em, chứng kiến những giọt nước mắt, tiếng gào thét vì đau thương của người thân bị tai nạn mới thấu hiểu. Cũng vì thế mà mỗi khi em bồng bế nạn nân, người dính đầy máu hay mùi hôi vì say xỉn, em vẫn thấy bình thường. Mình phải xem nạn nhân là người nhà, người thân thì mới làm được anh ạ”.

BOX: 4 năm trước, khi Tuấn mới 19 tuổi đã nhận được bằng khen của Trung ương Đoàn. Những năm sau này, Tuấn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen cấp tỉnh. Dù đã trải qua bao tháng ngày vất vả, có khi cấp cứu nạn nhân trên người có hàng chục triệu đồng và các tài sản giá trị, nhưng Tuấn cẩn thận cất giữ và trả lại cho nạn nhân, người nhà. “Nếu mình đã xác định làm việc thiện để giúp người mà nhận tiền thì công việc này không thể bền lâu. Có người khi thấy xe cứu thương của em xuống cấp muốn mua cho em xe mới đầy đủ tiện nghi nhưng em không nhận. Bởi em luôn nghĩ, phải làm việc bằng cái tâm trong sáng, khi không còn sức khỏe thì mình nghỉ và không làm, còn đã nhận quà thì áp lực càng cao, trong khi mỗi ngày em phải chịu không ít áp lực. Chỉ mong bản thân có đủ sức khỏe để giúp người là tốt rồi”, Tuấn chia sẻ.

Quang Tám

Chia sẻ
Tags
Hiệp sĩ