Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sau một ngày vất vả với công việc đồng áng, tối về, những người nông dân ấy không ngơi nghỉ mà xung phong tham gia tuần tra nhằm giữ bình yên nơi mình sinh sống. Đó là các “hiệp sĩ” ở làng Chăm thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng.
Công an xã Minh Hòa thường xuyên tổ chức các buổi họp với “hiệp sĩ’ làng Chăm để nắm tình hình ANTT, chủ động phòng chống tội phạm
“Hiệp sĩ” già
Những luồng gió mát lạnh từ hồ Dầu Tiếng thổi vào làm chòm râu của ông Sa Lim bay phất phơ. Chậm rãi vuốt chòm râu đã bạc, ông cười thật tươi khi nói về công việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, nơi có nhiều bà con người Chăm sinh sống. 57 tuổi, ở cái tuổi của ông Sa Lim có thể gọi là già, nhưng sự trẻ trung, tâm huyết trong công tác giữ gìn ANTT trong ông luôn sôi nổi và khiến người khác thấy... trẻ theo!
Ông Sa Lim cho biết mình tham gia Tổ xung kích chống tội phạm ở làng Chăm xuất phát từ tinh thần tự nguyện. Bản thân ông cảm thấy mình phải có trách nhiệm đối với vấn đề này. Được sự động viên, ủng hộ của gia đình, ông không quản ngại nắng mưa mà tham gia tuần tra, tuyên truyền pháp luật nhằm từng bước kéo giảm các vụ vi phạm pháp luật trong thanh niên.
Ông Sa Lim trao đổi với P.V Báo Bình Dương về những lần tham gia bắt trộm ở địa phương
Kể về công việc này, ông Sa Lim nói rằng bản thân ông nghĩ việc tham gia bảo vệ ANTT, tuyên truyền pháp luật cũng như tham gia tìm kiếm các nạn nhân bị đuối nước là việc bình thường. Tuy nhiên, đối với nhiều người, nghĩa cử của ông cùng các thành viên trong Tổ xung kích chống tội phạm làng Chăm là rất đáng quý. Cách đây không lâu, ông Sa Lim cùng các đồng đội đã quần quật cả đêm để tìm cho được một người bị đuối nước. Sau cả buổi tối phối hợp cùng lực lượng chức năng tìm kiếm, cuối cùng ông và đồng đội cũng vớt được thi thể của người xấu số cách hiện trường khá xa. Theo ông Sa Lim, nạn nhân là một người hành nghề đánh cá, tuy nhiên thời gian gần đây người này dùng hệ thống kích điện để đánh bắt cá. Do bất cẩn, nạn nhân bị chính dòng điện từ bộ đồ nghề này giật dẫn đến tử vong. Ông cho biết thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp đuối nước bị dòng nước cuốn trôi khá xa nơi xảy ra vụ việc khiến lực lượng cứu hộ hết sức vất vả. Tuy nhiên, với ông và các đồng đội trong Tổ xung kích chống tội phạm của địa phương, tham gia công việc này cũng là chuyện bình thường. “Mình giúp được gì thì giúp”!, ông nói nghe nhẹ tênh.
Nói về hiệu quả của mô hình Tổ xung kích chống tội phạm tại làng Chăm, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết đây là một mô hình hay, thời gian qua có nhiều địa phương đến học tập cách làm để áp dụng. Đáng chú ý là trong quá trình hoạt động, các “hiệp sĩ” này đã tham gia cứu nhiều vụ đuối nước cũng như tìm vớt xác của những người xấu số trên trên lòng hồ Dầu Tiếng. Cũng theo Thượng tá Sơn, trong năm 2019, mô hình này được lãnh đạo Cục Xây dựng phong trào Bộ Công an tìm hiểu và đánh giá cao.
“Điểm sáng” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Những năm qua, đời sống người dân làng Chăm thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng ngày càng được nâng cao, tình hình ANTT trên địa bàn luôn được ổn định. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các cấp, thì ý thức trong việc phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của người dân nơi đây cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ ANTT tại địa phương. Trong đó, Tổ xung kích chống tội phạm làng Chăm là một điển hình.
Từ những năm 1980, người Chăm từ vùng Châu Đốc, An Giang đến xã Minh Hòa, Dầu Tiếng để làm ăn, sinh sống. Ban đầu chỉ có hơn chục hộ dân, tới nay đã có trên 100 hộ với hơn 460 nhân khẩu. Xác định công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong giữ gìn ANTT, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, từ năm 2015, Công an xã đã tham mưu cho UBND xã Minh Hòa thành lập và đi vào hoạt động Tổ xung kích chống tội phạm làng Chăm, với 10 thành viên, chủ yếu là những thanh niên được tuyển chọn từ cộng đồng người Chăm, muốn góp sức mình để bảo vệ ANTT, giữ gìn bình yên cho người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.
Với lợi thế là người địa phương, thông hiểu phong tục, tập quán, các thành viên Tổ xung kích đã phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân với chính quyền địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, trao đổi thông tin kịp thời với lực lượng Công an xã; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Mặc dù mỗi người một công việc riêng, nhưng khi có sự việc xảy ra đột xuất hay phát hiện đối tượng lạ, có dấu hiệu khả nghi trong khu vực làng là các thành viên Tổ xung kích lại tập hợp, nhanh chóng thông báo cho lực lượng Công an xã, kết hợp tuần tra, xử lý kịp thời các vụ việc, không để xảy ra mất ANTT trên địa bàn.
Từ khi thành lập đến nay, Tổ xung kích làng Chăm đã phối hợp tuần tra, bắt giữ 10 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có cả những vụ án giết người, riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tổ đã phối hợp bắt 2 vụ trộm cắp tài sản, 4 vụ sử dụng trái phép chất ma túy, 3 vụ gây rối trật tự công cộng... Những thành tích của các anh đã được khen thưởng kịp thời.
Đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn làng Chăm, xã Minh Hòa, Dầu Tiếng nói chung được giữ vững ổn định, không có tình trạng người dân uống rượu, đánh nhau gây mất ANTT, không có người vi phạm pháp luật, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cũng giảm hẳn.
Thượng úy Nguyễn Văn Thực, Trưởng Công an xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, cho biết các thành viên tổ xung kích đã tuyên truyền pháp luật đáng kể đến người dân làng Chăm, từ đó người dân có ý thức tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ ANTT trên địa bàn ấp Hòa Lộc. Từ đó, nhân dân làng Chăm yên tâm ổn định cuộc sống.
Với những đóng góp tích cực của mình, các thành viên Tổ xung kích chống tội phạm làng Chăm thực sự là hạt nhân nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương. Chính nhờ sự đóng góp từ những hạt nhân như thế đã góp phần duy trì, ổn định tình hình ANTT tại địa phương, giúp cho người dân yên tâm làm ăn, sinh sống, phát triển kinh tế tại địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết hoạt động của mô hình Tổ xung kích chống tội phạm làng Chăm từng bước đi vào nề nếp và có hiệu quả, đã góp phần giữ vững tình hình ANTT chung. Các thành viên đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều thông tin có giá trị; tham gia nhiều vụ truy bắt tội phạm trộm, cắp trên địa bàn, góp phần giữ vững ANTT. “Có thể nói tinh thần xung kích của các thành viên trong tổ này đã truyền cảm hứng cho nhiều mô hình khác ở địa phương ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác giữ gìn ANTT”, ông Thành cho biết.
Nói về hiệu quả của mô hình Tổ xung kích chống tội phạm tại làng Chăm, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết đây là một mô hình hay, thời gian qua có nhiều địa phương đến học tập cách làm để áp dụng. Đáng chú ý là trong quá trình hoạt động, các “hiệp sĩ” đã tham gia cứu nhiều vụ đuối nước cũng như tìm vớt xác của những người xấu số ở lòng hồ Dầu Tiếng. Cũng theo Thượng tá Sơn, trong năm 2019, mô hình này được lãnh đạo Cục Xây dựng phong trào Bộ Công an tìm hiểu và đánh giá cao. |
THANH QUANG - V.CHÂU