| 14-02-2023 | 08:10:31

Hiệu quả kinh tế từ ứng dụng công nghệ cao

 Mô hình hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên ngày càng phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp. Nhiều HTX nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào trong quá trình sản xuất để nâng cao nâng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

 Để các HTX nông nghiệp mạnh dạn ƯDCNC vào sản xuất, việc hỗ trợ nguồn vốn vay là một trong những giải pháp quan trọng. Trong ảnh: Sản xuất cây ăn trái có múi của hộ thành viên HTX Hùng Thuận (xã Tân Định)

Nâng cao hiệu quả

Đến thời điểm này, HTX Cây ăn trái Tân Mỹ (xã Tân Mỹ) đã trở thành điểm sáng về ƯDCNC. Nhờ đi đúng hướng, năng động, nắm vững công nghệ, nhiều sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh với thứ hạng cao (bưởi da xanh đạt 4 sao, bưởi đường lá cam đạt 3 sao, dưa lưới đạt 3 sao). Đều đặn HTX xuất số lượng lớn trái cây cho siêu thị Co.opmart, tại thời điểm thuận lợi sản phẩm của HTX còn xuất khẩu đi nước ngoài. Doanh thu thành viên thời điểm cao nhất đạt tới 1-2 tỷ đồng/tháng đối với vườn lớn.

“HTX đầu tư vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ứng dụng hệ thống tưới tự động, quy trình làm hàng, đóng gói sản phẩm để giảm chi phí lao động. Đối với dưa lưới HTX trồng trên giá thể xơ dừa, bón phân hữu cơ kết hợp nước tưới tiêu từ nguồn nước suối nên vị của dưa lưới rất ngon, ngọt”.

HTX Nhân Đức (xã Hiếu Liêm) lại là điểm sáng về ƯDCNC cả trong chăn nuôi và trồng trọt. HTX đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống 3 trại gà lạnh gồm trại hậu bị, trại đẻ và trại ấp. Tại thời điểm thị trường ổn định, mỗi tháng HTX thu về 300 triệu đồng. HTX được Công ty TNHH CJ VINA ký hợp đồng dài hạn, giá trị hợp đồng hơn 9 tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực trồng trọt, HTX đầu tư trồng 58ha cây ăn trái có múi như: Bưởi, cam, quýt, hiện đạt trên 12 tỷ đồng/năm.

Có thể nhận thấy, những HTX trên địa bàn huyện tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường đều mạnh dạn áp dụng công nghệ vào trong sản xuất. Ngoài 2 HTX đã nêu trên có thể kể đến các HTX như: Năm Hạng (xã Lạc An), Hùng Thuận, Dân Tiến (xã Tân Định), Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân), Mười Thúy... Bên cạnh nâng tầm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, các HTX còn chú trọng đến hình thức, mẫu mã sản phẩm. Đây là yếu tố để HTX liên kết được với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Đồng hành, hỗ trợ

Thực tiễn chứng minh, khoa học công nghệ là chìa khóa giúp các HTX giảm bớt chi phí lao động, nâng cao sản lượng sản phẩm trên cùng diện tích đất. Những HTX mạnh dạn ƯDCNC vào sản xuất cho ra đời sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó mang về nguồn thu lớn.

Hiện nay, toàn huyện có 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất đối với các HTX ƯDCNC chính là thiếu vốn, rào cản về quỹ đất và lao động có trình độ chuyên môn. Ông Nguyễn Huỳnh Thanh, Phó Giám đốc HTX Hùng Thuận (xã Tân Định), cho biết: “Để ƯDCNC vào sản xuất một cách đồng bộ từ đầu tư giống đến sản xuất, chế biến đến đầu ra sản phẩm cần nguồn vốn lớn. HTX mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, để khuyến khích các HTX sản xuất theo hướng công nghệ cao tỉnh có nhiều nguồn vốn ưu đãi, như: Nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ phát triển kinh tế tập thể của Liên minh HTX tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện... Để tiếp cận nguồn vốn, các doanh nghiệp, HTX cần xây dựng phương án phù hợp. Hàng năm, ngành nông nghiệp huyện cũng tổ chức nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy bảo đảm việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan mở các lớp tập huấn áp dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.

 Việc các HTX ƯDCNC vào hoạt động sản xuất đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện nhà. Từng bước tái cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển chăn nuôi, trồng trọt tập trung, có quy mô lớn và ƯDCNC. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ưu tiên khâu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại nhãn hiệu tập thể cam, quýt, bưởi và các sản phẩm chủ lực của huyện...

 HẠNH NHI - PHƯƠNG THANH

Chia sẻ