| 13-12-2024 | 20:00:04

Hỗ trợ cơ sở gốm sứ truyền thống phát triển công nghệ sản xuất mới

(BDO) Với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, hộ kinh doanh (HKD) Ngân Hà (TP.Tân Uyên) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống lò nung gas gần 700 triệu đồng để phát triển sản xuất. Đây là một yếu tố quan trọng giúp HKD cải tiến được chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm chi phí, bảo vệ môi trường và an toàn lao động.

Bước tiến mới

Ông Huỳnh Văn Bình, Chủ HKD Ngân Hà cho biết: Bình Dương có ba làng nghề làm gốm lâu đời và nổi tiếng, đó là Tân Phước Khánh, Lái Thiêu và Chánh Nghĩa (Thủ Dầu Một).

Đặc điểm chung của gốm Bình Dương, trong đó có gốm sứ Tân Phước Khánh chính là sử dụng nguồn nguyên liệu từ loại đất sét có độ dẻo, độ kết dính cao nằm dọc theo những con sông ở địa phương để nhào nặn. Cùng với đó là kỹ thuật làm gốm gia truyền của những nghệ nhân và bí quyết canh nung chín gốm, để ra được những mẻ gốm hoàn hảo. Tất cả đã làm nên dấu ấn một thời của gốm sứ Bình Dương.

  Nghiệm thu đề án hỗ trợ “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gốm sứ” tại hộ kinh doanh Ngân Hà

Theo Anh Huỳnh Văn Bình, ngày nay, nghề gốm sứ đứng trước nguy cơ bị mai một. Muốn gìn giữ nghề truyền thống không còn cách nào khác phải chọn hướng đi mới, gìn giữ những kỹ thuật truyền thống song hành cùng công nghệ mới. Lò gas trở thành sự lựa chọn hàng đầu ở nhiều xưởng sản xuất gốm. Không chỉ các công ty lớn mà các hộ kinh doanh chuyên ngành sản xuất gốm cũng dần thay đổi và sử dụng hệ thống nung bằng lò gas trong quy trình sản xuất của mình.

“Với mong muốn giữ lại nghề gốm sứ truyền thống của gia đình và địa phương, Ngân Hà chọn sản xuất sảm phẩm gốm sứ theo hướng hoài cổ. Tuy là một cơ sở nhỏ nhưng với hướng đi riêng của HKD Ngân Hà luôn có những khách hàng tiềm năng với những đơn hàng lớn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, HKD Ngân Hà đã sớm nhận thức và thay đổi phương thức sản xuất tiên tiến; cải tiến mẫu mã, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và tiết giảm chi phí sản xuất. Sự đầu tư, áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến này là tất yếu để sản phẩm truyền thống đi theo hướng sản xuất công nghiệp đáp ứng cho thị trường xuất khẩu. Trong đó, đầu tư lò nung gas là một trong những bước đi mà Ngân Hà quyết tâm trên con đường gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của mình”, ông Bình chia sẻ.

Một số ưu điểm khi HKD Ngân Hà sử dụng lò gas nung sản phẩm gốm là lò gas có khả năng cung cấp nhiệt độ ổn định và nhanh chóng, giúp giảm thời gian nung so với lò củi truyền thống. Điều này giúp HKD nâng cao năng suất, đáp ứng đơn hàng nhanh chóng hơn và giảm chi phí vận hành.

Lò gas có thể điều chỉnh nhiệt độ dễ dàng và chính xác, giúp đảm bảo từng mẻ gốm sứ được nung đạt chất lượng đồng đều, đặc biệt là khi sản xuất sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao.

Việc sử dụng lò gas giúp nâng cao chất lượng sản phẩm vì nhiệt độ được duy trì ổn định, giảm thiểu các rủi ro nứt vỡ, biến dạng hoặc lỗi sản phẩm trong quá trình nung. Lò gas có thể dễ dàng điều chỉnh công suất tùy theo nhu cầu sản xuất, điều này rất hữu ích cho hộ kinh doanh khi muốn mở rộng quy mô sản xuất hoặc thay đổi sản phẩm, giúp chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường và các đơn hàng lớn.

Lò gas có hiệu suất cao hơn nhiều so với lò củi, do đó giúp giảm chi phí nhiên liệu lâu dài. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có thể cao hơn, nhưng lò gas tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí nhiên liệu so với việc sử dụng củi, giúp hộ kinh doanh Ngân Hà tiết kiệm đáng kể trong suốt quá trình sản xuất. Lò gas dễ bảo trì hơn lò củi. Các vấn đề như bụi than, tro và các chi tiết cơ khí bị hỏng do quá trình sử dụng nhiên liệu rắn sẽ không còn là mối lo ngại lớn. Điều này giúp giảm chi phí bảo trì và thời gian dừng máy để sửa chữa. Việc sử dụng củi trong sản xuất gốm sứ sẽ thải ra lượng khói và khí độc như CO, CO2, và bụi, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân. Trong khi đó, lò gas giảm thiểu khí thải độc hại, giúp bảo vệ sức khỏe công nhân và giảm tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Huỳnh Văn Bình chia sẻ.

Hướng tới sản xuất bền vững

Điều anh Bình trăn trở nhất là ngành sản xuất gốm sứ đang phải đối mặt với các yêu cầu môi trường ngày càng nghiêm ngặt. Chính vì thế, việc sử dụng lò gas giúp hộ kinh doanh Ngân Hà tuân thủ tốt hơn các tiêu chuẩn về khí thải và giảm thiểu nguy cơ bị xử phạt hoặc đình chỉ hoạt động.

Anh Bình kỳ vọng, việc sử dụng lò gas là một lựa chọn hợp lý để HKD doanh Ngân Hà muốn mở rộng thị trường tiêu thụ gốm sứ cao cấp hoặc xuất khẩu, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm được sản xuất từ lò gas có thể dễ dàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng trong nước và quốc tế.

Ông Trương Thanh Nhàn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh đánh giá: “Việc áp dụng lò gas trong sản xuất gốm sứ của hộ kinh doanh Ngân Hà sẽ giúp nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm chi phí vận hành và bảo trì, đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn, việc sử dụng lò gas cũng giúp hộ kinh doanh có thể mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao uy tín thương hiệu, đồng thời tuân thủ các quy định môi trường và bảo vệ sức khỏe người lao động. Chính vì vậy, thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gốm sứ” cho HKD mỹ nghệ Ngân Hà là cần thiết và phù hợp.”

Trong thời gian tới, ngành công thương khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có đơn vị sản xuất gốm sứ truyền thống mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất nhằm tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường...

Ông Trương Thanh Nhàn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnhViệc đầu tư máy móc, thiết bị mới 100% giúp tăng năng suất sản xuất, giảm đáng kể chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận giúp HKD rút ngắn thời gian thu hồi vốn. Bảo đảm nguồn hàng cung cấp ổn định ra thị trường với chất lượng cao; tăng tính cạnh tranh và phù hợp với quá trình công nghiệp hóa.

Tiểu My-Anh Tuấn

Chia sẻ