Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hoa actiso nấu chín có tác dụng bổ dưỡng, tăng lực, kích thích tiêu hoá, giúp ăn ngon miệng, bổ gan, trợ tim, lợi tiểu...
Cây actiso có tên khoa học Cynara scolymus L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Trong hoa actiso có chứa 3 – 3,15% protit, 0.1 - 0.3% lipit, 11 - 15.5% đường (gồm chủ yếu là inulin), 82% nước, các chất khoáng như vitamin A, B1, B2, vitamin C (10mg), 100g hoa actiso cung cấp 50 - 70 calo.
Hoa actiso nấu chín có tác dụng bổ dưỡng, tăng lực, kích thích tiêu hoá, giúp ăn ngon miệng, bổ gan, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, giúp sự tiết sữa cho các phụ nữ nuôi con nhỏ. Chất inulin có nhiều trong hoa actiso có tác dụng tốt cho người bị đái tháo đường. Ngoài ra, tính chất lợi tiểu của hoa actiso còn giúp làm tăng sự bài tiết urê, cholesterol dư thừa và axit uric trong cơ thể.
Do các tác dụng trên, hoa actiso thường được dùng trong các trường hợp suy nhược, lao lực, đau dạ dày, thiểu năng gan, thiểu năng thận, sỏi đường tiết niệu, đi tiểu ít, thấp khớp, thống phong, cơ thể bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn đường ruột, đái tháo đường. Ngày dùng 80 - 120g tươi, sắc nước uống hoặc hầm với xương, thịt heo, thịt bò để ăn cả cái lẫn nước. Nếu hoa khô, dùng 20 - 30g sắc nước uống trong ngày.
Khi chế biến món ăn, người ta chẻ cụm hoa actiso theo chiều dọc thành 6 - 8 miếng nhỏ, cuống hoa được bóc bỏ lớp vỏ xanh ở ngoài để lấy phần lõi trắng ở trong, cắt từng đoạn ngắn, phải rửa nhiều lần với nước sạch để loại bỏ các chất có hại.
Lá actiso có chứa một loại glucosid gọi là cynarine có tác dụng lợi mật, giảm cholesterol trong máu. Ngoài ra, còn có các hoạt chất polyphenol có tác dụng bảo vệ gan, nhuận trường, lợi tiểu, thông mật. Người ta ghi nhận các polyphenol có trong lá non nhiều gấp đôi lá già, ở trong phiến lá nhiều gấp 10 lần cuống lá, ở chóp lá nhiều hơn gốc lá, ở cây chưa ra hoa nhiều hơn cây đã ra hoa.
Lá và thân actiso được dùng trong các trường hợp gồm: Gan mật hoạt động yếu, viêm gan vàng da, tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng urê máu, gout, thấp khớp, sỏi niệu đạo, phù thũng, tiêu hoá kém do giảm tiết mật. Ngày dùng 12 - 16g lá khô hoặc 30 - 50g tươi, dạng sắc uống hoặc làm trà hãm nước sôi để uống. Ngoài ra, còn dùng dưới dạng cao lỏng, cao mềm.
Theo Kiến Thức