| 22-01-2016 | 09:32:05

Hòa giải viên cơ sở : Cầu nối những niềm vui

Toàn tỉnh hiện có 597 tổ hòa giải với 4.415 hòa giải viên. Tổ hòa giải được thành lập theo địa bàn ấp, tổ dân phố; mỗi tổ có từ 3 - 5 tổ viên, có nơi 5 - 7 tổ viên, đó là những người có uy tín được người dân trong cộng đồng tin cậy. Không kể bất cứ thời gian nào, ngay cả ngày lẫn đêm khuya, cứ xóm dưới làng trên xảy ra chuyện tranh chấp, họ lại có mặt kiên trì hóa giải mâu thuẫn, kết nối yêu thương và đưa pháp luật gần hơn với nhân dân.

 Các thành viên Tổ hòa giải KP.Tân Lương, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên trao đổi về công tác hòa giải ở cơ sở

Hóa giải mâu thuẫn

Ông Trần Văn Hô, Tổ trưởng Tổ hòa giải KP.Tân Lương, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên đã có 9 năm làm công tác hòa giải cơ sở. Trong 9 năm đó, ông không nhớ mình đã hòa giải thành bao nhiêu vụ, nhưng sự tận tâm của ông đã góp phần hóa giải mâu thuẫn, vun đắp sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm.

Ông Hô kể về một trường hợp mình tham gia hòa giải và đến nay vẫn còn ấn tượng: “Chỉ vì sợ cô em dâu chiếm đoạt tài sản sau khi về ở cùng em trai mình trong ngôi nhà mới xây của em, hai cô chị gái tìm cách đuổi em dâu ra khỏi nhà và đòi lại quà cưới mà trước đây họ đã tặng cho em dâu mình. Nguyên nhân là đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhưng chưa kịp đăng ký giấy kết hôn và chưa nhập hộ khẩu. Trong khi ngôi nhà mới đã đứng tên người em trai. Hai cô chị gái đòi khiếu nại và yêu cầu tổ hòa giải giải quyết mâu thuẫn trên”. Sau khi nghe câu chuyện, ông Hô cùng các thành viên trong tổ hòa giải đến tận nhà để phân tích cho hai bên hiểu và khuyên ngăn họ nên dung hòa để giúp cho đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống hạnh phúc. Sau đó, các thành viên trong tổ hòa giải nhờ cán bộ tư pháp phường hướng dẫn đôi vợ chồng trẻ đăng ký kết hôn và giấy tạm trú trước, sau đó, hai cô chị mới chấp nhận để hai vợ chồng trẻ cùng về nhà ở.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm. Cấp huyện đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, kiện toàn theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở và văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Năm 2015, các địa phương đã phối hợp Sở Tư pháp và các ngành có liên quan tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nhằm góp phần nâng cao chất lượng hòa giải, góp phần tích cực vào việc xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm trật tự xã hội.

9 năm nay, KP.Tân Lương đều giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa, người dân sống rất đoàn kết, hòa thuận. Tuy nhiên, từ khi có đề án quy hoạch cảng Thạnh Phước, nhiều vụ tranh chấp đất đai đã xảy ra. Song, với sự vào cuộc của tổ hòa giải, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn đã được giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý. Theo ông Hô, để làm tốt công tác hòa giải, hòa giải viên phải nắm vững pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, không phải vụ việc gì cũng đưa pháp luật ra giải quyết, mà phải biết phát huy tình làng nghĩa xóm, khéo léo kết hợp giữa lý và tình. Bất đắc dĩ mới chuyển lên cấp trên nhờ giải quyết. Năm 2015, tổ hòa giải KP.Tân Lương hòa giải thành 2/3 vụ xích mích trong khu dân cư liên quan đến tranh chấp đất đai.

“Là những người trực tiếp, gần gũi với người dân, sinh sống tại địa phương nên tất cả vấn đề liên quan đến người dân chúng tôi là người đầu tiên nắm rõ tình hình. Đối với những vụ việc không thể hòa giải được, tổ hòa giải cũng kịp thời hướng dẫn các đương sự hoặc trực tiếp chuyển vụ việc đến các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc đúng pháp luật, đúng thời hạn theo luật định nhằm tránh việc khiếu kiện kéo dài xảy ra”, bà Lê Đào Thị Sáu, thành viên tổ hòa giải KP.Đồng An 3, phường Bình Hòa, TX.Thuận An tâm sự về công việc của mình.

Từ năm 2014 đến nay, tổ hòa giải KP.Đồng An 3 hòa giải thành 5/11 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, vợ chồng bất hòa. Với hơn 10 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, bà Lê Đào Thị Sáu chia sẻ: “Ấn tượng nhất đối với tôi là một lần đứng ra hàn gắn cho hai nhà hàng xóm ở kế nhau. Một bên thì buôn bán, bên thì không. Gia đình buôn bán thường để hàng ở giữa ranh giới 2 nhà khiến nhà hàng xóm đi lại dễ va chạm và dẫn đến cãi nhau rất căng thẳng. Khi sự việc không còn giải quyết được bằng những cuộc “đấu võ mồm” thì hai gia đình đưa đơn lên nhờ tổ hòa giải giải quyết. Các thành viên tìm hiểu nguyên nhân và lấy ý kiến của hai bên. Tuy nhiên không ai nhường ai, cuối cùng, tổ hòa giải đề xuất 2 nhà góp tiền xây tường ngăn cách. Hai bên đồng ý nhưng thời gian đầu không nhìn mặt nhau. Sau này, được sự động viên, thăm hỏi của các thành viên trong tổ hòa giải, hai hộ này đã trở nên thân thiết, gắn bó.

Đưa pháp luật đến gần với người dân

Không chỉ là cầu nối giữa mọi người, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thông qua công tác hòa giải. Ông Trần Văn Hô cho biết: “Từ khi tham gia hòa giải, kiến thức pháp luật của các thành viên trong tổ đã được nâng lên nhờ được tập huấn và tìm hiểu thêm qua sách báo, truyền hình. Thông qua các buổi sinh hoạt, hòa giải ở cơ sở, những hòa giải viên đã tuyên truyền chính sách pháp luật đến người thân, hàng xóm láng giềng. Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của người dân có sự nâng lên thấy rõ”.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các tổ hòa giải ở cơ sở đã kịp thời giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; hạn chế đơn thư khiếu nại, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Trong năm 2015, các tổ hòa giải ở khu phố, ấp đã tiếp nhận 1.510 vụ việc, hòa giải thành 1.221 vụ, tỷ lệ hòa giải thành 80,86% (tăng 1,86% so với năm 2014 và vượt chỉ tiêu của tỉnh là 2,86%).

Bà Lê Đào Thị Sáu tâm sự: “Mỗi vụ việc khi được giải quyết êm xuôi thì những người làm công tác hòa giải ở cơ sở có thêm động lực để gắn bó với công việc!”. Theo bà Sáu, khi thấy tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, mọi người trở nên gần gũi với nhau hơn thì những người làm công tác hòa giải như bà càng tin tưởng công việc của mình góp một phần nhỏ vào sự thành công của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống trong khu dân cư”. 

 “Theo quy định, mỗi vụ hòa giải thành, có biên bản sự việc, tổ hòa giải được thanh toán 200.000 đồng, không thành được 100.000 đồng. Khoản thù lao đó không đủ để chi phí vì có những vụ hòa giải mất rất nhiều thời gian mới xong. Hòa giải viên chủ yếu gắn bó với công việc bằng cái tâm, lòng nhiệt tình, trách nhiệm vì sự bình yên của xóm ấp” - ông Trần Văn Hô, Tổ trưởng Tổ hòa giải KP.Tân Lương, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên chia sẻ.

 
TÂM BÌNH

Chia sẻ