Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhiều hầm đất rộng lớn bị đào sâu hoắm, trơ cả sỏi đá. Tiếng xe múc, xe ben gầm rú suốt ngày. Những lớp đất mặt trên cánh rừng cao su tiểu điền thuộc ấp Phú Nghị (xã Hòa Lợi, Bến Cát) đang từng giờ bị bóc gỡ để đưa đi nơi khác. Không những thế, cung đường dẫn vào nghĩa trang xã Hòa Lợi cũng bị băm nát như tương.
Những hầm đất mới
Khoảng một năm qua, người dân ở đây luôn phải chịu cảnh mưa sình, nắng bụi. Họ luôn tự hỏi: Bao giờ mới hết tình trạng bán đất mặt. Chừng nào các doanh nghiệp trả lại mặt đường láng mịn như xưa?
Cung đường đau khổ
Một chiều mưa nặng hạt, con đường ĐT741 vốn sạch đẹp bị nhuộm một làn đất đỏ kéo dài gần cả cây số (từ ngã ba Phú Hòa đến đường rẽ vào nghĩa trang xã Hòa Lợi). Khi mặt đường khô dần, kèm theo đó là những làn bụi khủng khiếp mỗi khi có những chiếc “hung thần” chạy qua. Cảnh tượng này không chỉ làm khó người tham gia giao thông, mà người dân địa phương lại càng khổ. Chị Thảo, một người bán nước mía trên mặt tiền đường ĐT741 thở dài: “Khổ lắm, không biết đất đá từ đâu mà cứ vương vãi ra đường hết ngày này sang ngày khác. Mưa thì dơ bẩn, nắng lên thì bụi. Sợ quán không có khách nên lúc nào tôi cũng phải thủ sẵn mấy thùng nước để tưới ra đường cho đỡ bụi”.
Xe ben ngược xuôi từ sáng đến chiều
Cách nhà chị Thảo chừng 100m, ngay tại ngã ba rẽ vào nghĩa trang xã Hòa Lợi, một phụ nữ có chồng sửa xe máy đang cặm cụi dọn từng mảng đất vương vãi gần tiệm luôn miệng than: “Chú thấy đó, ai ăn không biết bắt mình dọn tối ngày. Nắng lên bụi tuồn vào kín cả nhà thở không ra hơi”. Khi tôi hỏi tên, chị ta lẩm bẩm: “Nói thế thôi chứ đưa tên tuổi lên báo phiền phức lắm. Mình đến đây kinh doanh chứ đâu phải người địa phương. Mấy ổng biết đến hỏi hoài mệt lắm”. Nghe chị nói vậy tôi cũng không hỏi thêm. Thực sự không hiểu chị ta đang sợ gì, mấy ổng mà chị vừa nhắc là ai?
Theo chân một “thổ địa” tại địa phương, chúng tôi tiến dần vào “cung đường đau khổ”. Cung đường này hiện chỉ nhuộm duy nhất một màu đỏ, ổ voi, ổ gà chi chít. Mặt đường đã xấu cộng với nước mưa, bùn nhão trở nên trơn lầy. Mỗi khi qua đoạn đường này, người điều khiển phương tiện giao thông cứ duỗi thẳng hai chân rà sát đất, hết đạp bên này lại chống bên kia. Những mảng tường rào hai bên đường này cũng đã dần nhuộm chung một màu với đường. Xa xa, chúng tôi nhìn thấy một vài gia đình đem cây củi, gạch đá ra chặn sát mép đường. Bắt chuyện với chúng tôi, bà Hoa, một người bán tạp hóa mở lời trách móc: “Sao bây giờ mấy chú mới đến. Ở đây người dân khổ nhiều lắm rồi. Mỗi lần dắt xe đi đâu một lúc là phải tốn đến cả khối nước xịt rửa. Nhà cửa lúc nào cũng dơ bẩn, vì thế mà mưa xuống là quán vắng tanh, có ai dám tới lui gì đâu”. Anh Phương, chủ một nhà nghỉ ngồi buồn hiu bên bộ bàn đá đăm chiêu hướng mắt về phía con đường rầu rĩ: “Buồn lắm, chiều nào cũng thom thóp mong trời đừng mưa. Bỏ bạc tỷ ra để đầu tư kinh doanh mà suốt cả năm đâu có khách khứa gì. Đường như vậy thì ai dám vào. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng cứ chờ hoài vậy thôi”.
Những hầm đất sâu hoắm sau khi khai thác, cỏ mọc um tùm
Chỉ mới nửa giờ đồng hồ trôi qua, chúng tôi đã ghi nhận có khoảng chục chiếc “hung thần” ngược xuôi, thùng chở đầy đất. Những vòng bánh xe nặng trĩu cứ thế cuốn phăng đất đá, mặt đường rung chuyển. Nhìn theo những vòng xe, ông Võ Văn Hiệp, một người dân ở đây bức xúc: “Đất mặt mà đem bán như thế thì sau này còn trồng trọt được cây cối gì, phân thuốc nào mà chịu đời cho xiết. Đã làm nông thì phải biết quý đất chứ sao lại đem đất đi bán như thế”. Ông Tám ngồi cạnh bên than thở: “Hổm rày vườn cao su nhà tôi thất thu nhiều lắm, đường sá như thế này lớp nhỏ đâu dám chạy xe đi cạo mủ sớm như trước, sình lút lên nửa bánh xe có khi tới không được mà lui cũng không xong”. Vì mặt đường quá trơn mà đến bây giờ chân của ông Hiệp vẫn chưa lành, ông bị té khá nặng khi chạy xe vào vườn cao su cắt cỏ.
Hố chồng hố
Hơn 16 giờ, chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào bên trong “cung đường đau khổ”. Vừa qua khỏi khu nghĩa trang Hòa Lợi chừng 100m, thực sự không thể tin khi trước mắt là một vực sâu thẳm, rộng lớn nằm sát bên mép đường, quá nguy hiểm! Nếu bất cẩn, phương tiện giao thông có thể lao xuống đây bất kể lúc nào. Người bạn đi chung với tôi cho biết, hầm đất này vừa mới được khai thác trước tết không lâu. Bây giờ, bên dưới chỉ còn trơ lại đá, lác đác vài cụm cỏ mọc ven bờ hố. Từ đây, tiếp tục tiến vào những hầm đất bên trong thì đường sá bị xới tung chẳng khác gì đường rừng. Có không ít đoạn đất sình ngập lên tới máy, xe của chúng tôi liên tục gầm rú xịt cả khói đen mới thoát qua được. Để đi lại dễ dàng, người dân chủ động mở nhiều lối mòn chằng chịt trên các vườn cao su. Trời đã về chiều, những chuyến xe ben đã giảm dần. Bên dưới những hầm đất mới, những người điều khiển xe múc cũng bắt đầu đưa xe về bãi đáp, dưỡng sức cho “cuộc chiến ngày mới”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở khu vực này có rất nhiều hầm đất sâu hoắm, nối dài. Thấy tôi có ý tìm hiểu chủ nhân của những hầm đất này, anh bạn đi chung kể vanh vách một loạt tên tuổi những người từng bán đất. “Nơi chúng ta đang đứng là hầm đất của ông N.V.CH; kế bên là bà T.T.L; đằng kia của ông N.V.D; N.V.C...”. Những hầm đất nằm xen lẫn trong cánh rừng cao su tiểu điền này tuy mới được đưa vào khai thác, nhưng độ sâu đã đạt trên 3m, có nơi sâu đến 5m. Nói như ông Hiệp quả không sai, vì ham cái lợi trước mắt, không ít người dân đã bán đi lớp đất mặt màu mỡ mà thiên nhiên ban tặng thì sau này trồng trọt được gì, loại cây nào mà chống chọi được với lớp sỏi đá kia? Theo người dân địa phương, đây là khu vực có loại đất sỏi phúng rất đẹp nên các “đầu nậu” ngày nào cũng lượn lờ “săn” và sẵn sàng trả với giá khá cao. Quy trình bán đất ở đây không phải bán theo khối mà bán trên diện tích, độ sâu.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi cho biết, hầu hết những hộ bán đất mặt nằm trong khu vực nghĩa trang xã Hòa Lợi đều do Công ty TNHH Phú Năm Minh (trước đây là HTX Phú Năm Minh, xã Hòa Lợi) khai thác, vận chuyển. Những hộ này đều được Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Bến Cát cấp phép cải tạo mặt bằng. Theo bà Thúy, khu vực này có nhiều triền dốc, nên bà con xin cải tạo mặt bằng để tiện trồng trọt, chăn nuôi. Trước khi khai thác, Phòng TN-MT cũng đã cho người đi khảo sát.
Khi chúng tôi đề cập đến việc chừng nào mới khai thác xong những khu đất này, bản thân bà Thúy cũng không thể biết. Theo bà Thúy, tuyến đường dẫn vào nghĩa trang xã Hòa Lợi là đường giao thông nông thôn, được địa phương đầu tư xây dựng rất đẹp từ khoảng năm 2006. Thời gian qua, không ít người dân địa phương bức xúc trước việc mặt đường xuống cấp nặng, gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt, nên họ từng dùng cây củi ngăn không cho đoàn xe của công ty này vào khai thác. Phía xã đã mời đại diện Công ty Phú Năm Minh lên làm cam kết. Theo đó, phía công ty phải chọn thời điểm vào chở đất hợp lý (sau 17 giờ), phải khắc phục mặt đường hư hỏng song song trong quá trình khai thác, nhưng xem ra phía công ty đã không thực hiện đúng lời hứa. Chính quyền địa phương cũng mong ngành chức năng tiếp tục rà soát, kiểm tra để sớm chấm dứt việc khai thác này.
Cải tạo mặt bằng hay bán đất mặt? Vấn đề này chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ nhất. Người dân nơi đây đang ngày đêm lo lắng trước thực trạng kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà còn để lại những hố sâu quá nguy hiểm!
QUANG TÁM