Hoa xương rồng
Lớp có sáu mươi em, đứa
nhỏ nhất sáu tuổi, lớn nhất hăm hai tuổi và sáu mươi học trò là... sáu mươi
trình độ! Nghĩa là không có em nào sức học giống em nào cả. Có em lúc vào lớp
chưa biết một chữ i tờ, dù đã mười chín tuổi. Có em bảy tuổi mới đọc bập bẹ. Những ngày đầu nhận lớp,
cô giáo thiếu chút nữa đã... khóc òa lên! Mười mấy đứa con trai sàn sàn từ mười
lăm, mười sáu đến hai mươi chiếm hai bàn đầu đang... phì phèo thuốc lá, vừa gác
chân lên ghế gãi sồn sột, vừa ngắm nhìn cô với cái kiểu bất cần! Mấy đứa nhỏ
hơn bị đám đàn anh đẩy ra bàn sau, bị mấy cái đầu cao chòng ngòng che khuất,
bèn lên ngồi chồm hổm trên bàn, lớn tiếng bình phẩm như đang coi... người mẫu.
“Cô giáo ốm nhách hà tụi bây ơi! - Coi bộ khó chịu lắm hà mày! - Xí, dễ thì học,
khó thì khỏi thèm, ở nhà tối coi cải lương sướng hơn...”. Đám con gái lớn chẳng
thèm nhìn cô giáo lấy một cái, chúng tụ tập ở mấy bàn cuối ăn cóc, ổi chấm muối
ớt, vừa nói chuyện um sùm như đang họp chợ. Vậy mà là lớp học hả trời! Chú trưởng khu phố vừa
nói mấy câu giới thiệu cô giáo, vừa quát tháo một hồi mới tạm vãn hồi được một
chút trật tự. Chú quẹt mồ hôi chảy ròng trên trán, ghé tai cô nói nhỏ: “Thấy vậy
chớ tụi nó tội lắm đó, chịu khó vài bữa là đâu vô đó hà!”. Vài bữa của chú kéo
thành một tháng tròn, cô giáo mới làm cho cái mớ hỗn tạp đó ra vẻ lớp học một
chút. Một bảng nội quy được cô giáo soạn gấp treo bên hông lớp học cũng không
biết có được các học trò ghé mắt không. Cô giáo đã phải mướt mồ hôi cả mấy
tháng trời vì ngày nào cũng có học sinh vi phạm nội quy. Trong khi cho mấy đứa
nhỏ tập viết chữ, cô giáo dạy cho mấy đứa lớn đọc. Nhưng lớp học chẳng yên tĩnh
được lâu. “Thưa cô thằng Tèo chửi thề - Con không có chửi thề, nó nói láo. Con
mới nói sơ sơ thôi chớ bộ!”. Cả lớp cười rần rần và cô giáo cũng không nín nổi.
Điểm đặc biệt của lớp học
là mỗi đứa học trò vào lớp và ra về theo mỗi giờ khác nhau. Dù cô quy định lớp
học bắt đầu 6 giờ chiều nhưng có hôm mới 5 giờ có đứa đã chạy vào lớp hối cô
giáo “Dạy cho con học lẹ lẹ để con còn đi biển cho kịp con nước”. Có khi đang học
nửa chừng có người đứng ngoài cửa réo: “Thằng cu Hai về gấp xuống ghe”. Vì lớp
quá đông, có khi cô giáo phải nhờ một số em đã làm xong bài, học khá, kèm cho
em khác học. Vậy mới có cảnh em bé tám tuổi kèm cho anh chàng to như đô vật
đánh vần đến... quẹo lưỡi vẫn không xong. Một lúc sau, “thầy giáo tám tuổi”
khóc ré lên: “Thưa cô ảnh đánh con. Ảnh nói con dạy mà ảnh không đọc được là tại
con ngu!” (?!). Nhưng đặc biệt nhất là
chuyện lập hồ sơ học sinh để xin hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Ngoài mấy đề
mục thông thường như tên tuổi, cha mẹ, phần nghề nghiệp và chỗ ở là phần gây bất
ngờ cho cô giáo. Nghề nghiệp ở đây là nghề chính của các em chứ không phải của
cha mẹ vì đa số học trò đều phải tự kiếm sống, tự nuôi thân. Có em còn là trụ cột
chính của gia đình. Thôi thì đủ thứ nghề, có những nghề cô giáo mới nghe lần đầu.
Ngoài nghề lao động biển, nghề bán vé số, nghề đi ở, còn có nghề giữ em (giữ trẻ),
nghề xẻ sò, nghề lột da mực, nghề đan rổ, nghề hấp cá,... Khó nhất là chuyện
xác định nơi ở. Có em khai nhà con ở khu... sa mạc. Cô giáo tưởng nghe nhầm,
cái gì mà có sa mạc ở đây! Hóa ra là khu nhà lụp xụp mới dựng trên động cát, ba
bên bốn bề toàn cát, chẳng có một bóng cây và không biết ai đã đặt cái tên sa mạc.
Nghe như có mùi vị Phi châu! Em tiếp theo, nhà con ở
khu bãi rác. Thấy cô giáo tròn mắt nhìn, có đứa láu táu: - Đúng đó cô ơi! Hổm rồi
con tới rủ nó đi học, con phải bịt mũi muốn tắt thở luôn. Xóm đó hôi rình hà cô
ơi!; - Chớ còn nhà mày ở xóm Sình có thơm tho hơn nhà tao đâu. Gớm lắm cô à, đi
qua nhà nó, về rửa hết hai lu nước đầy cũng chưa sạch đó cô!... Vậy là cả đám học
trò lại cười như điên, có vẻ khoái cái màn kê khai lý lịch này lắm. Cô giáo
cũng cười theo nhưng có gì đó làm cô nghèn nghẹn và thấy nặng ở ngực. Cô dạy lớp học đặc biệt
này được hơn một năm. Một lớp học mà trong đời nhà giáo cô không hề tưởng tượng
nổi. Cô phải sử dụng nhiều “quái chiêu” trái ngược với những phương pháp sư phạm
truyền thống cô đã được học trong trường mới thu phục nổi đám học trò ô hợp
như... ngựa hoang sổng chuồng này. Đến khi các em đã thật sự vào nề nếp và cô bảo
gì học trò cũng răm rắp làm theo thì cô buộc phải giao lớp lại cho khu phố tìm
giáo viên mới vì cô chuyển nhà đi nơi khác và cô đang nhận một lớp cuối cấp ở
trường phổ thông, ít còn giờ rảnh. Cả lớp đã lặng đi khi cô báo tin... Cô không
nói nên lời khi nhìn chúng. Đứa nào cũng cúi gằm mặt, không ngước nhìn cô giáo.
Mấy đứa nhỏ bắt đầu dụi mắt, có đứa cắm cúi lục tìm gì đó trong túi xách... Mấy tháng đầu ở nhà mới,
buổi tối ra đóng cửa, cô lại thoáng thấy vài cái bóng chạy đi. Dù trời tối, dù
chỉ nhìn sau lưng, cô vẫn nhận ra ngay học trò cũ... Chúng không muốn đối mặt với
cô, không muốn chào cô mà chỉ đứng nhìn cô trong bóng tối. Cô nghe như có những
lời trách móc không được nói ra... Tình cảm của lũ trẻ sớm lăn lộn kiếm sống giữa
đời vừa hồn nhiên con trẻ vừa quá già dặn so với lứa tuổi. Như cái cách chúng tự
kìm nén mình không để rơi nước mắt, không có cả một lời năn nỉ níu kéo. Chúng
chấp nhận mọi điều xảy đến trong cuộc sống như một người lớn thực thụ. Và cô
cũng chẳng biết điều đó có tốt cho chúng không. Xứ biển này có một loài hoa đặc biệt, hoa xương rồng. Cây lá thì
gai góc tua tủa nhọn hoắt, lỡ mà đâm vào tay thì nhức nhối tận xương. Chúng mọc
thành bụi bờ trên cát khô cháy bỏng, mỗi năm chỉ được ông trời tưới tắm cho vài
trận mưa hiếm hoi. Thế nhưng khi nở hoa, vẻ đẹp của nó làm ta sững sờ. Cánh hoa
to, có hai sắc hoa đỏ vàng rực rỡ, nảy ra từ một nách lá đầy gai nhọn. Chúng
khoe sắc đầy tự tin, gần như kiêu hãnh. Chúng gợi cho cô nhớ tới lũ học trò đặc
biệt đáng yêu của cô, cũng chẳng được là bao sự chăm sóc của gia đình, nhưng cô
vẫn tin rằng chúng sẽ là những bông hoa xương rồng rực rỡ sắc màu trên cát bỏng!XUYẾN CHI