| 30-10-2022 | 11:54:30

Hoài niệm và tự hào

(BDO) Nhắc đến Thủ Dầu Một, Bình Dương người ta thường nhắc đến chợ Thủ. Bởi, ngôi chợ từ xưa đã trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, nhộn nhịp được hình thành và phát triển hàng trăm năm nay, là một địa chỉ có giá trị cao về văn hóa và lịch sử. Có lẽ vì thế, trong chương trình Tôi yêu Bình Dương, các tác giả đã chọn đề tài Chợ Thủ Dầu Một làm tập đầu tiên.

Chiều chiều mượn ngựa ông Đô

Mượn ba chú lính đưa cô tôi về

 Đưa về chợ Thủ bán hủ bán ve

Bán bộ đồ chè bán cối đâm tiêu.

Bốn câu ca dao quen thuộc đã đưa bao trẻ thơ vào giấc ngủ say nồng qua lời ru của mẹ đã được người dẫn chuyện nhắc đến trong tác phẩm. Những người thực hiện chương trình đã đưa người đọc, người xem như được du lịch về một vùng đất có ngôi chợ cổ hàng trăm năm, ngôi chợ đầu tiên có tên gọi Phú Cường, hy vọng cho một tương lai trù phú giàu sang.

  Chợ Thủ Dầu Một trước năm 1975 (ảnh tư liệu)

Dấu ấn đầu tiên ngay phần đầu tập 1, đó là cảnh sông nước, có những con đò, phà đưa khách sang sông, nối 2 bờ Bình Dương và TP.Hồ chí Minh qua cửa ngõ chợ Thủ Dầu Một, như gợi nhớ đây là nơi giao thương sầm uất từ xa xưa bằng đường sông của vùng Nam bộ xưa. Với lợi thế nằm ven sông, chợ Thủ đã trở thành nơi buôn bán nhộn nhịp, xe cộ, ghe thuyền tấp nập. Những đặc điểm nổi bật của ngôi chợ cũng đã được giới thiệu khá đặc sắc như phong cách kiến trúc, tháp đồng hồ, nét văn hóa, sinh hoạt trong giao dịch, trao đổi, mua bán, của các tiểu thương qua các thời kỳ của lịch sử…

Nhiều hình ảnh xưa về Chợ Thủ qua các thời kỳ được sưu tầm khá độc đáo và đáng quý. Đó cũng là một thành công khác trong tập phim đầu tiên của chương trình Tôi yêu Bình Dương.

[Xem thể lệ Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”]

Chợ Thủ Dầu Một mang đậm giá trị văn hóa đã được giới thiệu khá đậm nét trong tập phim. Tuy nhiên, sẽ thật trọn vẹn nếu như những người làm phim dành chút ít thời lượng giới thiệu đôi nét về giá trị lịch sử của ngôi chợ. Bởi ngôi chợ này đã từng chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trong đấu tranh giải phóng, giành độc lập của nhân dân địa phương. Đơn cử, phía đối diện mặt trước ngôi chợ là Nhà việc Phú Cường; ngay phía trước mặt ngôi chợ, ngày 25-8-1945, nơi đây đã diễn ra lễ mít tinh của nhân dân Thủ Dầu Một đứng lên giành chính quyền thành công…

  Bến đò chợ Thủ Dầu Một năm 1950 (ảnh tư liệu)

Hình ảnh những cô gái đi chợ trên cỗ xe ngựa với chiếc áo bà ba, với đôi guốc mộc ngày xưa, giờ chỉ còn là hoài niệm. Với bao thăng trầm theo thời gian, chợ Thủ ngày nay đã khác xưa rất nhiều từ cách kiến trúc đến đời sống sinh hoạt mua bán. Văn hóa có tính kế thừa và phát triển, văn hóa chợ Thủ cũng vậy. Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào nhưng chợ Thủ vẫn mãi là nét văn hóa đặc sắc, niềm tự hào trong tâm thức của người dân, đặc biệt là người dân Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Hồng Thái

Chia sẻ