Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, Hội Nông dân (ND) huyện Phú Giáo đã gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, qua đó xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Thi đua làm kinh tế giỏi
Điểm nổi bật tại các cấp Hội ND huyện Phú Giáo là việc học tập, làm theo Bác được gắn với phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào ND sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hàng năm, căn cứ kế hoạch phát động của Hội ND huyện, các cơ sở hội triển khai tuyên truyền, phát động phong trào thi đua đến hội viên ND. Hưởng ứng phong trào, nhiều hội viên ND đã mạnh dạn vượt khó khởi nghiệp thành công, trở thành ND SXKD giỏi.
Chị Tăng Thị Hằng ở ấp Bàu Càm, xã An Long là một trong nhiều ND tiêu biểu SXKD, khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi chim yến lấy tổ. Được sự hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi..., ban đầu chị nuôi quy mô nhỏ. Khi mô hình nuôi yến bắt đầu có thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế cao, chị mạnh dạn tiếp tục đầu tư xây thêm nhà nuôi yến. Đến nay, gia đình chị có 3 nhà yến, diện tích 1.500m2 với sản lượng tổ yến thu hoạch khoảng 15kg/ tháng.
Chị Nguyễn Ngọc Điệp, hội viên Hội Nông dân thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo thành công với mô hình trồng hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao
“Tổ chim yến có giá trị về dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người nên được nhiều người sử dụng. Với giá trên thị trường tùy vào thời điểm dao động từ 20 - 22 triệu đồng/kg, doanh thu từ tổ yến thô của cơ sở đạt trên 3 tỷ đồng/năm”, chị Tăng Thị Hằng nói.
Cũng từ phong trào ND SXKD giỏi, anh Đặng Văn Xuân ở xã Tân Hiệp, đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng và phát triển cây sầu riêng. Nhờ cần cù chịu khó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, anh đã thực hiện hiệu quả mô hình. Từ 1 ha ban đầu, đến nay gia đình anh có 4 ha cây sầu riêng, ngoài ra anh còn trồng thêm 3 ha cây mít và 1 ha nhãn. Thành công trong việc phát triển mô hình này, mỗi năm, trừ các khoản chi phí đầu tư chăm sóc vườn cây, gia đình anh thu nhập ổn định từ 600 - 700 triệu đồng, trở thành điển hình trong phong trào ND thi đua SXKD giỏi của xã.
Hay chị Nguyễn Ngọc Điệp ở thị trấn Phước Vĩnh cũng thành công với mô hình trồng hoa lan, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Dẫn chúng tôi tham quan vườn lan, có diện tích gần 1 ha với khoảng 40.000 gốc lan, chị Điệp cho biết sau nhiều năm tìm kiếm cơ hội, chị quyết định khởi nghiệp trồng hoa lan. Được sự giúp đỡ của Hội ND các cấp về kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi... nên chị đã thành công với cây hoa lan. “Vào vụ hoa, mỗi ngày thu hoạch 1.800 cành hoa lan, giá bán 5.000 - 7.000 đồng/cành, giúp gia đình thu nhập hơn 10 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây lan đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đời sống ngày một khấm khá hơn”, chị Nguyễn Ngọc Điệp cho biết.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Theo Hội ND huyện Phú Giáo, phong trào ND SXKD giỏi đã góp phần hình thành nên những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp cùng với nhiều tấm gương ND cần cù, nghiên cứu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính đôi tay, khối óc của mình. Phong trào cũng đã góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, cả về trồng trọt và chăn nuôi, nhất là hình thành các mô hình SXKD mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, tại thị trấn Phước Vĩnh có mô hình trồng hoa lan, trồng nấm, trồng cây ăn trái của chị Nguyễn Ngọc Điệp; xã An Long có mô hình nuôi chim yến, kinh doanh phân bón của chị Tăng Thị Hằng; xã Tân Hiệp có mô hình nuôi vịt cạn trại lạnh của Chi hội chăn nuôi vịt cạn...
Ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội ND huyện Phú Giáo, cho biết để hỗ trợ và thúc đẩy phong trào ND thi đua SXKD giỏi ngày càng phát triển và giúp cho ND nắm bắt kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn; phối hợp tổ chức cho cán bộ, hội viên ND đi tham quan, học tập các mô hình hiệu quả. Ngoài ra, để ND có điều kiện liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau, hội còn tư vấn, hướng dẫn thành lập được 51 tổ liên kết, hợp tác, 21 hợp tác xã, 2 câu lạc bộ chăn nuôi, 9 câu lạc bộ nhà nông... hoạt động hiệu quả; duy trì chế độ sinh hoạt, thu hút nhiều ND tham gia vào tổ chức hội.
Cùng với đó, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, ND chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương bằng những việc làm thiết thực. Thực hiện phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, nhiều gia đình hội viên, ND đã tự nguyện hiến đất để mở đường, xây dựng các công trình công cộng ở nông thôn... Phong trào ND tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của người ND được nâng lên rõ rệt.
Khi ND khá lên, các cấp hội còn vận động hội viên ND tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay toàn huyện Phú Giáo đã có 10/10 xã đạt xã nông thôn mới, có 7/10 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
ĐỖ TRỌNG