Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỏi: Xin cho biết chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động (NLĐ) làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại? Điều kiện và mức bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định như thế nào?
Trả lời: Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được quy định trong Thông tư liên tịch số 10/1999/ TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 17-3-1999 của Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế và sửa đổi ngày 12-9- 2006 trong Thông tư liên tịch số 10/2006/ TTLT-BLĐTBXH-BYT.
Theo đó, điều kiện để được bồi dưỡng bằng hiện vật: NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại như: Môi trường lao động có một trong các yếu tố nguy hiểm độc hại sau đây không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế: Nhóm các yếu tố vật lý: vi khí hậu, ồn, rung, ánh sáng, áp suất, bức xạ ion, laser…, nhóm các yếu tố hóa học: Hơi độc, khí độc, bụi độc, hóa chất độc, trực tiếp tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bởi các vi sinh vật gây bệnh cho người.
Có 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật: Mức 1 có giá trị = 4.000 đồng; mức 2 có giá trị = 6.000 đồng; mức 3 có giá trị = 8.000 đồng; mức 4 có giá trị = 10.000 đồng.
Hỏi: Xin cho biết những đối tượng nào trong doanh nghiệp bắt buộc phải huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)?
Trả lời: Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2005 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định các đối tượng sau phải được huấn luyện về ATVSLĐ: Người lao động, bao gồm những người đang làm việc, người mới tuyển dụng, người học nghề, tập nghề, thử việc tại cơ sở; người lao động hành nghề tự do được cơ sở thuê mướn, sử dụng. Người sử dụng lao động và người quản lý bao gồm: Chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở ủy quyền điều hành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; giám đốc, phó giám đốc cơ sở, thủ trưởng của các tổ chức, cơ quan đơn vị trực tiếp sử dụng lao động; người quản lý, điều hành trực tiếp các công trường, phân xưởng hoặc các bộ phận tương đương. Người làm công tác ATVSLĐ cơ sở.
Hỏi: Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình trong trường hợp nào?
Trả lời: Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì tùy theo tình trạng thương tật, bệnh tật được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định tại cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh trở lên (gọi tắt là cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng).
Hỏi: Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội về trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt dụng cụ chỉnh hình cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo khoản 4 Thông tư số 19/2008/TT-BHXH ngày 23-9- 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm về trang cấp như sau: Cấp tiền cho người lao động để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định tại cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Thanh toán một lần tiền tàu, xe đi và về theo giá quy định của Nhà nước với phương tiện giao thông như xe khách, tàu hỏa, tàu thủy từ nơi cư trú đến cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng gần nhất cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đi làm phương tiện trợ cấp sinh hoạt.
P.V