Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Tân Uyên xác định là nhiệm vụ ưu tiên. Qua đó, hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ, đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức hội trong các phong trào của địa phương.
Để giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai nhiều cách làm hay và cụ thể như duy trì và nhân rộng các hoạt động tiết kiệm do hội tham gia quản lý; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hội viên vay vốn… Nhằm giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay, hội đã huy động nguồn vốn tại chỗ bằng cách thành lập các tổ nhóm tiết kiệm. Đến nay, toàn huyện có 294 tổ nhóm tiết kiệm với nhiều loại hình, tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn nội lực, các cơ sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho chị em vay, đến nay tổng dư nợ hơn 65 tỷ đồng cho 3.699 hộ vay vốn đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất.
Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên nhiều hội viên phụ nữ đã vươn lên làm giàu. Trong ảnh: Chị Sa Thị Hoa ở ấp Vườn Ươm, xã Tân Định thành công với mô hình VAC. Ảnh: H.P
Chị Phan Thị Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Để hỗ trợ chị em, Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tương trợ giúp đỡ nhau về mọi mặt trong cuộc sống, đặc biệt là hướng đến hội viên, phụ nữ khó khăn. Hàng năm, các cấp hội đã chủ động rà soát, phân nhóm phụ nữ theo đặc thù để có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ”. Nhờ thực hiện tốt các mô hình, cách làm hay cộng với phát huy được nguồn vốn vay ưu đãi đúng hướng, nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã vươn lên và xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế. Tiêu biểu như gia đình chị Sa Thị Hoa ở ấp Vườn Ươm, xã Tân Định. Từ số vốn vay ban đầu là 8 triệu đồng cùng với số tiền dành dụm được, chị Hoa đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò. Sau một thời gian tìm hiểu và tham khảo mọi người, chị đã chuyển sang làm mô hình kinh tế tổng hợp VAC và đã thành công với mô hình này. Hiện nay, gia đình chị đã có kinh tế ổn định với gần 100 con heo rừng lai thả vườn, 13ha cao su, hơn 300 gốc bưởi cùng với ao thả cá các loại. Khi cuộc sống gia đình ổn định, chị lại có điều kiện để tham gia vào các hoạt động xã hội và giúp đỡ các chị em hội viên khác vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bên cạnh đó, theo chị Phan Thị Ngọc Lợi, Hội LHPN huyện còn duy trì khá tốt phong trào phụ nữ giúp nhau ngày công lao động, cây con giống, nguồn vốn, giới thiệu việc làm cho các chị em hội viên và phối hợp mở các lớp dạy nghề cơ bản cho chị em... Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình không tính lãi bằng nhiều hình thức đã được chị em hưởng ứng tích cực. Đến nay, Hội LHPN huyện tập trung chỉ đạo các cơ sở hội duy trì 6 tổ nấu ăn đãi tiệc, 1 tổ may gia công tại nhà, 1 tổ hợp tác liên kết chăn nuôi heo, 1 tổ hợp tác liên kết đan quạt, 1 tổ hợp tác liên kết sản xuất, chăm sóc trồng cây có múi… Các tổ hợp tác này tạo công ăn việc làm hiệu quả, tăng thu nhập, giúp chị em cải thiện cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Thông qua các mô hình này còn góp phần nâng cao nhận thức, từng bước giúp hội viên hình thành thói quen tiết kiệm và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.
Có thể khẳng định, từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên trong phong trào phát triển kinh tế, không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hội viên khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
HỒNG PHƯƠNG