Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Với chủ đề “Cầu cho mưa thuận gió hòa”, trong hai ngày 23 và 24- 11, tại đình thần Chánh Mỹ (phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) đã diễn ra hội thi “Nghi thức học trò lễ” TP.Thủ Dầu Một lần II năm 2024. Hội thi không chỉ làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa, mà còn góp phần duy trì, phát huy các nghi thức lễ hội cúng đình - một nét văn hóa truyền thống ý nghĩa...
Lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống
Học trò lễ là một trong những thành phần tham gia tích cực trong các lễ thức cúng tế tại các đình, miếu, đền thờ… Những nghi thức được thực hiện sẽ góp phần làm lễ cúng thêm phần tôn nghiêm, trang trọng.
Phần dự thi của đội học trò lễ phường Phú Tân
Tại các đình (hay đình thần), hàng năm thường diễn ra một số lễ hội, cúng tế liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian gắn liền với đời sống cộng đồng cư dân mỗi làng, mỗi địa phương. Đây là những phong tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian thể hiện tâm tư, tình cảm, sự tri ân của cộng đồng dân cư đối với những vị thần đang được thờ phụng tại đình đã có công bảo vệ, phù hộ xóm làng, tri ân các vị tiền hiền, hậu hiền, các anh linh liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao (VHTT-TT) TP.Thủ Dầu Một, cho biết phát huy kết quả từ lần tổ chức trước, năm nay, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục tổ chức hội thi “Nghi thức học trò lễ” nhằm góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống trong các dịp lễ hội cúng đình, đặc biệt là Lễ hội Kỳ yên - một trong những lễ cúng quan trọng, có mặt lâu đời trong tín ngưỡng thờthần của người Việt Nam nói chung. Đây là dịp để người dân tế bái thần Thành hoàng, cầu cho quốc thái dân an, thôn xóm thịnh vượng, cuộc sống no ấm và cũng là ngày người dân trong làng cùng nhau họp mặt bàn chuyện chung của làng, chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn và cùng tham gia vui chơi trong các sinh hoạt cộng đồng.
Người trẻ kế thừa
Hội thi năm nay thu hút hơn 200 thí sinh của 14 đơn vị đại diện cho các phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một tham gia dự thi. Mỗi đội tham gia thực hiện 2 phần thi, gồm: Trình diễn nghi thức học trò - nghi tế xuân và xướng lễ - đọc văn tế (còn gọi là chúc văn). Các nghi thức học trò lễ được các đội trình diễn, kết hợp với phần xướng lễ đúng hơi, nhịp nhàng, tạo nên nét đặc sắc của nghi lễ truyền thống, vừa có xướng lễ, vừa có động tác, bước đi gắn với nhịp điệu của dàn nhạc lễ.
Phần dự thi của đội học trò lễ đình thần Chánh Mỹ, phường Chánh Mỹ
Mỗi đình thường có một cách trình diễn nghi thức học trò lễ trong các dịp lễ hội tại đình theo cách riêng của mình. Vì vậy đến với hội thi này, các đội đã có dịp giao lưu văn hóa, học hỏi thêm các nghi thức, nhạc lễ đang được các đình lưu giữ để có thể học thêm những cái hay, cái đẹp của đội bạn nhằm bổ sung, hoàn thiện thêm nghi thức trong các dịp lễ cúng tại đình mình.
Ông Phan Văn Hữu, Trưởng ban Quản lý Di tích đình thần Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp), cho biết việc TP.Thủ Dầu Một tổ chức hội thi này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là trong việc giữ gìn những nghi thức cúng đình có từ xưa. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ, tiếp nối giữ gìn nghi thức truyền thống cha ông để lại cho thế hệ sau.
Anh Thái Văn Lâm, thành viên đội học trò lễ phường Hòa Phú, cho biết trước đây anh thường tham gia trong các dịp cúng đình, thấy ý nghĩa của nghi thức học trò lễ nên anh tìm thầy nhờ chỉ dẫn thêm để hiểu hơn về nghi thức này. “Đây là nét văn hóa do cha ông từ xưa để lại. Ngoài ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghi thức còn thể hiện sự tôn trọng, trang nghiêm trong lễ cúng. Với tôi, hội thi này rất ý nghĩa. Đến đây mình có thể học hỏi thêm từ các đội bạn để có thêm kinh nghiệm, lắng nghe góp ý của ban giám khảo để sau này về đình mình thực hiện nghi thức cúng bài bản hơn”.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT TP.Thủ Dầu Một, những giá trị như tôn trọng truyền thống, biết ơn ông bà tổ tiên và gìn giữ văn hóa cũng vô cùng quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Hội thi không chỉ là một hoạt động văn hóa, mà còn là dịp để mỗi học trò, mỗi đội dự thi và tất cả chúng ta củng cố những giá trị tinh thần, những phẩm chất tốt đẹp. “Chúng tôi hy vọng qua các tiết mục tham gia trong hội thi, các đội không chỉ học được những bài học về nghi thức, mà còn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an bình”, ông Phương nói.
Hội thi “Nghi thức học trò lễ” là một hình thức thi khá mới, ít có địa phương nào tổ chức, đặc biệt là tổ chức ngay tại khuôn viên của đình. Điều đọng lại trong những người tham gia thi cũng như người dự xem là ý thức trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. |
HỒNG THUẬN