Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động thương mại - dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã bắt nhịp trở lại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần khôi phục kinh tế địa phương.
Huyện Bắc Tân Uyên đang nỗ lực phục hồi và thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại cửa hàng Bách hóa xanh, ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc
Sôi động trở lại
Đến thời điểm hiện nay, bên cạnh các địa điểm kinh doanh mặt hàng thiết yếu, các ngành nghề dịch vụ khác cũng đã hoạt động trở lại nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Tại các trục đường lớn, các chợ trên địa bàn, cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đến vật liệu xây dựng, cửa hàng ăn uống đều đã nhộn nhịp trở lại. Tại hầu hết các xã, thị trấn, chợ hoạt động, buôn bán đầy đủ các mặt hàng đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Tại các chợ Tân Định (xã Tân Định), Đất Cuốc (xã Đất Cuốc), trong tháng 9 chưa đủ điều kiện mở cửa, đến nay cũng đã đi vào hoạt động.
Ông Đoàn Quang Thoại, quản lý chợ Đất Cuốc, cho biết chợ mới hoạt động lại ngày 8-11 khi đáp ứng đủ điều kiện phòng dịch theo quy định, với khoảng 80% tiểu thương. Để bảo đảm an toàn, mỗi người được vào chợ tối đa 20 phút. Anh Nguyễn Văn Phong, tiểu thương bán quần áo tại chợ Đất Cuốc, chia sẻ: “Chợ đóng cửa khá lâu khiến thu nhập tiểu thương bị ảnh hưởng, nay hoạt động lại khách hàng vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi đều rất vui mừng và hy vọng buôn bán sớm phục hồi như trước”.
Cùng với đó, hệ thống cửa hàng tiện ích như Bách hóa xanh, Điện máy xanh cũng góp phần mở rộng kênh tiêu dùng cho người dân địa phương. Anh Nguyễn Văn Hoàng, quản lý cửa hàng Bách hóa xanh, ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc, cho biết so với những ngày đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”, tâm lý khách hàng đến mua sắm đã bớt lo ngại hơn. Việc quét mã QR trước khi vào cửa hàng gần như trở thành thói quen không cần nhắc nhở. Khách hàng đến mua sắm chủ yếu là công nhân tại Khu công nghiệp Đất Cuốc.
Các doanh nghiệp và hầu hết hộ kinh doanh tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã trở lại hoạt động. Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thành, chia sẻ: “Hiện nay, hoạt động mua bán của tiểu thương trên địa bàn dần được phục hồi. Tuy nhiên, số hộ kinh doanh giảm so với trước, có 37/418 hộ chưa trở lại. Hoạt động kinh doanh tại cửa hàng Bách hóa xanh, cửa hàng tạp hóa, cơ sở kinh doanh cơ bản ổn định, đáp ứng các mặt hàng thiết yếu của người dân và thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh”. Cũng theo ông Dũng, chợTân Thành hoạt động trởlại với sốlượng 50 sạp đã được UBND thịtrấn bốtrílực lượng công an, quân sựphối hợp cùng Ban Quản lýchợtriển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Có thể nhận thấy, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 làm suy giảm tốc độ tăng trưởng trên lĩnh vực TM-DV trên địa bàn huyện. Với việc kiểm soát thành công dịch bệnh cũng như việc nỗ lực thực hiện kịp thời các giải pháp sẽ giúp tốc độ phục hồi và tăng trưởng dần khởi sắc trở lại. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 chợ, 4 cửa hàng tiện ích, 1.586/1.870 hộ kinh doanh đang hoạt động.
Triển khai các giải pháp
Để thúc đẩy hoạt động TM-DV, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, song song với các biện pháp phòng, chống dịch, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục triển khai, tập trung các giải pháp vì mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian qua, huyện luôn đưa ra nhiều giải pháp về đầu tư hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa. Trong đó, hệ thống chợ được quan tâm đầu tư, hiện huyện đang tiến hành xây dựng mới chợ Tân Định (xã Tân Định) để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Huyện cũng bước đầu thử nghiệm loại hình du lịch trải nghiệm dựa trên tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp của địa phương tại các xã như Hiếu Liêm, Đất Cuốc...
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh. Huyện chú trọng hỗ trợ mở rộng thị trường, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đưa sản phẩm vào các siêu thị... Bắc Tân Uyên đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”, góp phần nâng cao giá trị cây có múi, giúp tăng thu nhập cho người dân, đưa sản phẩm địa phương vươn xa ra thị trường. Hoạt động dịch vụ tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính, viễn thông, sửa chữa các thiết bị điện tử, tin học… trên địa bàn huyện phát triển khả quan, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
TIẾN HẠNH