Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), ngành nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng đã đạt được nhiều thành tựu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao tại xã Minh Tân
Triển khai đồng bộ các chính sách
Trong thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình mỗi xã một sản phẩm... Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện luôn quan tâm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển KH&CN. Huyện xác định việc phát huy và phát triển KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; phát triển KH&CN là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của cấp ủy, chính quyền, của người đứng đầu từ huyện đến cơ sở”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai các chương trình hành động, kế hoạch của UBND tỉnh, của Huyện ủy, UBND huyện về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn huyện. “Nhìn chung, công tác triển khai các cơ chế, chính sách về phát triển KH&CN trên địa bàn huyện tương đối đồng bộ, bảo đảm chất lượng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân được nâng lên; nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, hạn chế sự trông chờ, hỗ trợ của Nhà nước”, ông Tùng nói.
Hiệu quả từ ứng dụng KH&CN
Việc ứng dụng KH&CN trong trồng trọt và chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo động lực cho nông nghiệp và nông thôn phát triển. Cụ thể, huyện đã giảm dần diện tích cây cao su, tăng diện tích cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, cây đặc sản như măng cụt, sầu riêng, mô hình trồng chuối cấy mô… tại các xã Minh Tân, Long Tân, Thanh An, Thanh Tuyền. Cùng với đó số lượng trang trại chăn nuôi tập trung phát triển nhanh chóng.
Ông Phạm Bình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: “Xã Minh Tân phát triển kinh tế chủ yếu về nông nghiệp. Hiện trên địa bàn xã có 12 trang trại cũng như các hợp tác xã đang triển khai mô hình ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh cây trồng, chuyển đổi hợp lý vật nuôi cây trồng, tăng dần diện tích các vườn cây cho năng suất cao. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cũng như định hướng các giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân”.
Nhằm khai thác, phát huy thế mạnh của huyện về nông nghiệp và xác định vai trò quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, UBND huyện đã chấp thuận chủ trương cho Phòng Kinh tế huyện phối hợp với Trung tâm phát triển Nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh các loại cây có múi”. Các loại bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Minh Hòa và Minh Thạnh huyện Dầu Tiếng cũng đạt hiệu quả cao. Dự án đã được cấp chứng nhận 45ha cam, quýt, bưởi, đạt chuẩn VietGAP. Với kết quả đạt được, bước đầu đã giúp người nông dân thấy được vai trò của việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất. Việc sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn là cần thiết, từ đó giúp người nông dân thay đổi dần tập quán sản xuất nông nghiệp, từ nhỏ lẻ sang tập trung và có chất lượng hơn.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách thúc đẩy khuyến khích các cá nhân, tổ chức, đầu tư KH&CN. Bên cạnh đó, huyện tăng cường số lượng và quy mô các quỹ phát triển KH&CN của các cá nhân, tổ chức, đẩy mạnh hợp tác công tư, thúc đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thêm huyện sẽ tiếp tục nâng cao năng lực hiệu quả của bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN; phát triển nguồn nhân lực để chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng KH&CN cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đổi mới các nhiệm vụ KH&CN theo hướng phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến để phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện có tính cạnh tranh cao. Huyện sẽ lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ