Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Là địa phương trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, nhưng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, huyện Dầu Tiếng bảo đảm phát triển kinh tế bền vững theo hướng ưu tiên công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng
Đột phá về hạ tầng
Để sớm thực hiện thành công mục tiêu này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, tạo ra thế và lực mới thúc đẩy phát triển. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, nhất là việc xây dựng tuyến đường ĐT744 huyết mạch, kết nối Dầu Tiếng với TP.Thủ Dầu Một và các địa phương khác trong tỉnh đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị của huyện, tạo động lực để huyện ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Cường, người dân xã Thanh Tuyền, cho biết: “Dầu Tiếng hôm nay có sự thay đổi rất lớn, nhiều tuyến đường ngày xưa nhỏ hẹp, nay được đầu tư mở rộng khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn xã Thanh Tuyền có nhiều công trình giao thông, trường học, thiết chế văn hóa... được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang tạo diện mạo mới cho địa phương, thuận lợi cho người dân”.
Đó cũng là niềm vui chung của người dân huyện Dầu Tiếng trước sự đổi thay của địa phương trong những năm gần đây. Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng lòng của nhân dân, chỉ trong vài năm trở lại đây, diện mạo nông thôn, đô thị của huyện có sự thay đổi rõ nét. Đến nay, bên cạnh tuyến đường huyết mạch ĐT744, toàn huyện đã có 100% tuyến đường do huyện quản lý và gần 32% chiều dài các tuyến đường do xã quản lý đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Trên địa bàn huyện đã có nhiều công trình giao thông quan trọng được hoàn thành. Nổi bật như dự án mở rộng đường từ trước Huyện ủy, UBND huyện đến đường Cách Mạng Tháng Tám, mở rộng ngã tư Minh Hòa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị Long Hòa, đô thị Bến Súc...
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết hiện nay trong quy hoạch phát triển đô thị và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Dầu Tiếng tập trung phát huy nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện, nhất là các công trình mang tính tạo động lực.
Nâng dần tỷ trọng công nghiệp
Để khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, thời gian qua huyện quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng dự án... Với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp, huyện đã mời gọi được 19 doanh nghiệp và 11 cơ sở tiểu thủ công nghiệp đầu tư trên địa bàn với số vốn trên 380 tỷ đồng.
Bên cạnh Cụm công nghiệp Thanh An đã đi vào hoạt động, thời gian qua huyện đã hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án Cụm công nghiệp An Lập; phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trình tỉnh bổ sung thành lập 2 cụm công nghiệp tại xã Thanh An với diện tích 150 ha. Cùng với đó, địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai dự án quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích 969 ha và dự án mở rộng Khu công nghiệp An Điền giai đoạn 3 với diện tích 381,21 ha trên địa bàn 2 xã An Lập và Thanh Tuyền. Mới đây, địa phương cũng đã có văn bản đề nghị Sở Công thương thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh bổ sung mới 6 cụm công nghiệp, gồm: Thanh An 1, 2, 3, Định Hiệp 1, 2 và An Lập 2 vào quy hoạch của huyện.
Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định. Đến nay, toàn huyện có 339 doanh nghiệp, có 21 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Phương Linh cho biết để sớm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện Dầu Tiếng thành địa phương phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian tới huyện tiếp tục tập trung cao độ cho việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư rót vốn vào địa phương.
NGỌC THANH