| 10-04-2024 | 09:24:17

Huyện phú giáo: Đa dạng hóa ngành nghề, thúc đẩy kinh tế phát triển

 Những năm qua, huyện Phú Giáo đã tập trung phát triển đa dạng các ngành nghề, tạo nền tảng vững chắc để kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

 Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của huyện. Trong ảnh: Mô hình trồng cây ăn trái có múi tại xã Phước Hòa

 Lấy nông nghiệp làm chủ lực

Huyện Phú Giáo xác định lấy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) làm định hướng phát triển bền vững, chủ lực. Theo lãnh đạo địa phương, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục phát triển đúng định hướng, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.

Toàn huyện Phú Giáo hiện có 547 mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gần 1.200 ha. Giá trị sản xuất đạt trên 600 triệu đồng/ ha/năm. Điển hình như Khu nông nghiệp ƯDCNC tại xã An Thái do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư với quy mô hơn 400 ha. Đây cũng là địa điểm thu hút khách tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây ăn trái và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Bên cạnh đó, các trang trại sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với quy mô lớn được người dân mạnh dạn đầu tư, bước đầu đã mang lại hiệu quả và từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như mô hình trồng dưa lưới có lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, sản xuất theo quy trình thủy canh; mô hình trồng cây có múi có lắp đặt hệ thống tưới tự động kết hợp với biện pháp phủ bạt xử lý ra hoa trái vụ đã cho năng suất đạt từ 30-40 tấn/ha và doanh thu từ 300-500 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình), cho biết: “Dưa lưới của hợp tác xã được trồng và chăm sóc theo công nghệ nhà màng của Israel. Ngoài hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại từ bên ngoài, bên trong còn gắn quạt đối lưu nhằm điều hòa nhiệt độ cho cây phát triển. ƯDCNC vào sản xuất vừa giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, vừa nâng năng suất tăng lên hơn 30% so với canh tác truyền thống”.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều nông dân, chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng kín, trại lạnh, hệ thống quạt thông gió áp dụng theo nguyên tắc “cùng vào - cùng ra” để bảo đảm an toàn sinh học. Toàn huyện Phú Giáo hiện có 157 trại ƯDCNC gia công cho các công ty, như: CP, Emivest, CJ.Vina, Japfa… Việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt sức lực, thời gian cho người lao động, nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để.

Đột phá ngành công nghiệp

Nếu như ngành nông nghiệp được xem là ngành kinh tế chủ lực, thì việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Phú Giáo. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số nhóm ngành CN-TTCN chủ yếu, như: Chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, với quy mô vừa và nhỏ. Toàn huyện hiện có trên 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN, trong đó bao gồm nhiều thành phần kinh tế, thu hút khoảng 4.000 lao động.

Ngoài ra, huyện có quỹ đất nông nghiệp lớn, có khả năng chuyển đổi sang đất công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung. Đồng thời, trên địa bàn có trữ lượng lớn các khoáng sản phi kim loại như đá xây dựng, đất làm gạch ngói, có thể khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp gốm sứ, vật liệu xây dựng. Ngành chăn nuôi, trồng trọt của huyện phát triển mạnh sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp của huyện vẫn gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất đó là thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Lĩnh vực công nghiệp phát triển tương đối chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Mạng lưới cơ sở CN-TTCN còn hạn chế về các mặt như quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề của công nhân chưa qua đào tạo ...

Theo lãnh đạo huyện, thời gian tới huyện sẽ tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, huyện cũng sẽ quan tâm đến việc triển khai các ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng mã vùng trồng trên địa bàn; đẩy mạnh việc liên kết giữa “4 nhà”, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Song song đó, để đánh thức tiềm năng phát triển công nghiệp, huyện đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và nhánh rẽ đường từ cầu Tam Lập - Đồng Phú đang hoàn thành công đoạn cuối. Điều này sẽ mở ra cho huyện Phú Giáo tiềm năng phát triển kinh tế về phía đông tại các xã Tam Lập, An Bình cùng các địa phương phía tây như Vĩnh Hòa, Tân Long. Đây là động lực quan trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ... của huyện trong thời gian tới.

 Thời gian qua, huyện Phú Giáo đã tập trung nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực trên từng lĩnh vực kinh tế để thúc đẩy phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngày mai (11-4), huyện sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp năm 2024; đối thoại, lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Qua đó, nhằm giới thiệu, tìm kiếm nhà liên kết sản xuất, tiêu thụ giúp nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của huyện.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ