| 05-11-2020 | 07:47:52

Huyện Phú Giáo: Nụ cười trở lại với người trồng tiêu

 Giữa những tháng ngày gian khó, khi nông dân trồng hồ tiêu tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây nguyên gặp phải nhiều khó khăn vì thất thu về sản lượng và giá thành sản phẩm, Bình Dương đã có giải pháp để giúp người nông dân bớt lo âu.

 Người trồng tiêu ở huyện Phú Giáo kỳ vọng vào việc ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả cao trong sản xuất

 Tìm giải pháp

Là địa phương phía Bắc của tỉnh, được quy hoạch phát triển vùng trồng cây công nghiệp và nông nghiệp, thời điểm năm 2017, huyện Phú Giáo có hơn 320ha trồng tiêu. Dù diện tích khá khiêm tốn, nhưng sự sụt giảm của thị trường cũng đã khiến ngành chức năng và các nhà khoa học trong tỉnh đau đầu suy nghĩ. “Trước mắt, cần một giải pháp để giúp bà con nông dân không còn phải rơi nước mắt vì mất mùa nữa”, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Sau khi nhận được lời chia sẻ từ phía ngành nông nghiệp, lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ đã kết nối với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam làm cơ quan chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp cây hồ tiêu tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương”. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam ngay sau đó đã lên phương án và chính thức triển khai đề tài từ tháng 7-2017.

Trải qua 39 tháng nghiên cứu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trồng thử nghiệm để tìm ra được những giống hồ tiêu phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên của vùng canh tác nông nghiệp huyện Phú Giáo, nhóm nghiên cứu đề tài do thạc sĩ Nguyễn Văn An làm chủ nhiệm đã có những chỉ số phát triển chi tiết và báo cáo với Hội đồng Khoa học tỉnh. Kết quả nghiên cứu được nhóm thực hiện đề tài báo cáo về Hội đồng Giám định đề tài nghiên cứu khoa học vào ngày 29-9-2020. Theo đó, để phát triển vùng canh tác trồng cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Phú Giáo, nông hộ cần có sự đầu tư bài bản về mô hình cũng như có sự lựa chọn đúng về chủng loại giống tiêu, am hiểu sâu kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị bệnh cho cây tiêu.

Ông Nguyễn Văn An cho biết, nếu xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp bài bản và đúng quy chuẩn trên cây hồ tiêu theo hướng tiêu chuẩn GAP thì hiệu quả sản xuất hồ tiêu của vùng sẽ giữ vững ổn định tăng trưởng cao hơn trung bình từ 10-15% so với sản xuất phương thức truyền thống. Đặc biệt, khi ứng dụng quy trình chuẩn, bà con sẽ không còn phải lo ngại về việc mất mùa do dịch bệnh hay các loại sâu đục thân, sâu ăn lá…, sẽ giảm được đến 95% rủi ro cho người trồng tiêu.

Báo cáo tại buổi làm việc đánh giá, thẩm định và nghiệm thu đề tài trước Hội đồng Khoa học tỉnh ngày 29-9-2020, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết qua thời gian hơn 3 năm, nhóm đã thực hiện thành công việc ứng dụng quy trình chuẩn kỹ thuật về tuyển lựa chủng loại cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cây. Kết quả cho thấy chi phí sản xuất giảm đáng kể, đồng thời nâng cao năng suất trên 2 loại vườn tiêu ở giai đoạn kinh doanh và kiến thiết cơ bản. Quá trình thực hiện đề tài, nhóm cũng đã kết hợp việc xây dựng thương hiệu tập thể hồ tiêu huyện Phú Giáo, đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 300 nông hộ trên địa bàn.

 Trong chuyến công tác kiểm tra, đánh giá tình hình xây dựng và phát triển nông thôn mới tại huyện Phú Giáo mới đây, đoàn kiểm tra Trung ương đã có những đánh giá tích cực đối với sự đổi thay của vùng đất này. Theo đó, sau gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện Phú Giáo có 10/10 xđều đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của huyện đến cuối năm 2019 đã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.

Xây dựng thương hiệu

Tại buổi báo cáo nghiệm thu đề tài, nhóm nghiên cứu đã đề xuất gói các giải pháp nhằm phát triển sản xuất hồ tiêu tại huyện Phú Giáo theo hướng bền vững bằng cách sản xuất hồ tiêu đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyển chọn được giống tiêu Vĩnh Linh và tiêu sẻ Lộc Ninh có năng suất khá cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện canh tác và khí hậu của huyện Phú Giáo. Áp dụng chế phẩm sinh học đã cho thấy hiệu quả khá tốt trong phòng trừ bệnh hại cây hồ tiêu qua hai niên vụ 2018-2019 và 2019-2020 tại huyện Phú Giáo.

Năng suất và lợi nhuận của lô thử nghiệm chế phẩm sinh học cao hơn so với đối chứng không sử dụng chế phẩm sinh học lần lượt trong khoảng 4,5 - 13,9% và 9,1 - 74,9%. Mô hình quản lý tổng hợp trên cây hồ tiêu với quy mô 10 ha được thực hiện tại xã An Bình, huyện Phú Giáo đã đạt chứng nhận Global GAP có hiệu lực đến tháng 4-2021 cho 18 hộ dân trong tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu tại xã An Bình.

Từ cuối tháng 8-2020, những mảnh vườn chuyên trồng cây hồ tiêu ở huyện Phú Giáo đã có sự thay đổi rõ nét. Theo đó, trên nhiều mảnh vườn đã xuất hiện việc ứng dụng khoa học kỹ thuật theo dõi tình trạng thời tiết, khí hậu, độ ẩm… để phân tích và đưa ra hướng xử lý kịp thời. Ông Lê Văn Tính, một hộ trồng hồ tiêu theo chuẩn VietGAP cho biết: “Dựa vào sự phát triển của khoa học, kỹ thuật sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc bởi các chỉ số đo từ thời tiết, khí hậu người trồng biết phải cân chỉnh điều gì cho phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của giống hồ tiêu”.

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Nguyễn Văn An tự tin cho biết: “Khi mình có kiến thức về điều kiện sống lý tưởng của bất kỳ loài cây nào, chỉ cần tìm cho chúng một nơi có khí hậu, thổ nhưỡng có tính tương đồng và chăm sóc tốt thì giống cây đó sẽ cho ra sản lượng thu hoạch cao đồng thời giảm thiểu được những rủi ro không đáng có cho cây”. Theo ông An, lý do để nhóm lựa chọn giống hồ tiêu Vĩnh Linh và tiêu sẻ Lộc Ninh cho vùng canh tác trồng tiêu huyện Phú Giáo là bởi 2 giống tiêu này đáp ứng được điều kiện tự nhiên của vùng đất này tốt nhất.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bình Dương, ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, sau khi được tỉnh bàn giao đề tài nghiên cứu khoa học, huyện đã đẩy mạnh việc triển khai thực tế vào trong hoạt động canh tác trồng cây hồ tiêu. Bước đầu, huyện đã phối hợp với các nhà khoa học, các kỹ sư nông nghiệp chuyển tải và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và phòng trị bệnh cho cây hồ tiêu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến giữa tháng 10-2020, với sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân huyện đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao, tìm kiếm và gầy dựng giống hồ tiêu Vĩnh Linh, tiêu sẻ Lộc Ninh để hỗ trợ đầu vào cây giống cho bà con.

Những con đường quê rợp bóng cao su, thi thoảng xen lẫn những vườn cây hồ tiêu với hàng ngàn trụ tiêu được đầu tư xây dựng kiên cố ngày nào giờ đây đã tấp nập hơn. Đi dọc tuyến đường xã khu vực An Long, An Linh và An Bình thuộc địa bàn huyện Phú Giáo, nét mặt của người nông dân trồng tiêu đã vui tươi trở lại, những ngày tháng mất mùa, mất giá thuộc đỉnh điểm 2016-2017 đã qua. Và, chúng tôi tin rằng khi người nông dân đã được trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật về nghề trồng hồ tiêu, chắc rằng những vụ mùa bội thu đang đón chờ ở phía trước …

 Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết, thời gian tới, sở sẽ thường xuyên cử cán bộ và kỹ sư nông nghiệp lên huyện Phú Giáo để hỗ trợ chính quyền địa phương, nông dân triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng hồ tiêu nói riêng và các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nói chung.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ