Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Giai đoạn 2011-2016, Chương trình Thương mại điện tử (TMĐT) Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu. Năm 2017, TMĐT Bình Dương được xếp hạng 4 trong cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Song theo Tiến sĩ Luật học Nguyễn Tú: “Xu hướng TMĐT ở Việt Nam đang tăng trưởng tốt. Hiện đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các tỉnh trong giao dịch Chính phủ với doanh nghiệp (DN) G2B. Hiện một số chỉ tiêu ở Bình Dương cần cải thiện. Theo báo cáo “Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2017” của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chỉ số TMĐT giao dịch DN với DN (B2B) của Bình Dương đứng thứ 4 trong cả nước, nhưng số điểm chưa bằng phân nửa của địa phương đứng đầu 35/75. Về cơ sở hạ tầng đứng thứ 7, với 21,2/100 điểm, còn chỉ số G2B thứ 14!”.
Nhiều rào cản
Trên thực tế, TMĐT đã đem đến những tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của DN, điều đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, một trong những trở ngại lớn nhất là bảo đảm lòng tin của người tiêu dùng. Mặc dù đã có nhiều giải pháp thanh toán trực tuyến đã được triển khai, việc tích hợp hệ thống này không còn quá khó khăn về mặt công nghệ và kỹ thuật xử lý, tuy nhiên thực chất trở ngại về thanh toán trực tuyến lại đến từ phía người tiêu dùng. Hệ thống đã sẵn sàng, song người tiêu dùng vẫn chưa tin dùng và chưa có thói quen áp dụng phương pháp thanh toán mới này.
Bên cạnh đó, cũng có một số quan niệm kiểu cũ còn tồn tại, những hiểu biết hạn chế về bản chất, đặc điểm, lợi ích ứng dụng TMĐT của người lãnh đạo DN, cũng như thói quen mua hàng truyền thống (theo kiểu họp chợ) của người dân. Hiện người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của TMĐT đối với sự phát triển của xã hội. Đây cũng là rào cản lớn trong quá trình hội nhập TMĐT ở các DN nói chung.
Trong quá trình thực hiện chương trình TMĐT cũng phát sinh những khó khăn, như tần suất phát sóng và nội dung các chương trình tuyên truyền về TMĐT trên các phương tiện truyền thông đại chúng còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ cho các lớp học đều phải thuê bên ngoài, do đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thêm vào đó là địa bàn tỉnh rộng, hạ tầng phát triển không đồng đều, nên khó phát triển TMĐT rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Đa số các DN trong tỉnh là DN vừa và nhỏ (sản xuất, gia công và lắp ráp theo đơn đặt hàng), nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để triển khai TMĐT còn hạn chế.
Giải pháp hàng đầu là đào tạo cán bộ
Để khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương phục vụ thiết thực nhu cầu của DN và người dân, Sở Công thương kiến nghị: Cần đẩy mạnh việc ban hành các văn bản triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số và triển khai dịch vụ chứng thực cho website TMĐT. Tăng cường các văn bản mang tính pháp lý liên quan đến TMĐT để hỗ trợ DN trong quá trình giao dịch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia trực tuyến. Phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng hơn về chương trình TMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tham gia. Khuyến khích DN đầu tư vào TMĐT, ứng dụng các công nghệ để nâng cao khả năng kết nối, giao dịch và xuất khẩu hàng hóa phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các địa phương trong việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin phục vụ.
Nhằm triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT của tỉnh, đẩy mạnh TMĐT trở thành hoạt động phổ biến của DN sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng cho sản phẩm tiềm năng và chủ lực của tỉnh, theo kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bình Dương giai đoạn năm 2017-2020, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì triển khai các nội dung: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về TMĐT, tổ chức các lớp bồi dưỡng đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực về TMĐT, tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT, hỗ trợ DN trên địa bàn ứng dụng TMĐT, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT. Với kinh phí thực hiện trong giai đoạn này là 7,08 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương 100 triệu đồng, kinh phí địa phương 5,4 tỷ đồng, kinh phí vận động từ nguồn khác 1,5 tỷ đồng.
Qua đó, Sở Công thương từng bước triển khai, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Đồng thời, tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kiến nghị và tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo hàng năm và cả giai đoạn với UBND tỉnh.
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Bình Dương: “Giải pháp phát triển TMĐT ở Bình Dương cũng là giải pháp cải thiện một số điểm còn “thấp” đối với Bình Dương là cần phải đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và phổ cập kiến thức về TMĐT; không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và môi trường pháp lý cho TMĐT; có những biện pháp bảo đảm an toàn cho các giao dịch TMĐT; phát triển các dịch vụ công và tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này”.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chiến lược tuyên truyền, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã đặc biệt quan tâm đến việc tập huấn nâng cao nhận thức quản lý nhà nước về TMĐT. Khai mạc lớp tập huấn này, ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương đã nhấn mạnh vai trò cán bộ quản lý nhà nước trong sự phát triển TMĐT: “TMĐT đang trở thành xu thế mới thay thế dần phương thức kinh doanh cũ với rất nhiều ưu thế nổi bật như nhanh hơn, rẻ hơn, tiện dụng hơn, hiệu quả hơn và không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Tuy hình thức kinh doanh TMĐT đã được các tổ chức, cá nhân sử dụng phổ biến, rộng rãi và chuyên sâu trong nhiều ngành và lĩnh vực như: thông tin di động, vận tải, logistics, kinh doanh ăn uống, du lịch... Nhưng công tác quản lý nhà nước về TMĐT vẫn là một điều khá mới mẻ đối với hầu hết cán bộ, công chức quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa thực sự hoàn thiện, chưa bắt kịp sự phát triển của TMĐT và tính khả thi chưa cao, nên Sở Công thương tổ chức buổi tập huấn triệu tập các cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố, các DN, hợp tác xã, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm nâng cao hiểu biết của cán bộ, công chức quản lý về TMĐT. Sau tập huấn, hy vọng việc quản lý nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT theo đúng pháp luật, hạn chế tiêu cực và phát huy tính tích cực, để đạt hiệu quả cao về mặt xã hội, cá nhân và cộng đồng!”.
Kế hoạch mục tiêu cụ thể phấn đấu gồm các chỉ tiêu trong giai đoạn 2017-2020 như sau:
- 100% DN lớn, 65% DN vừa và nhỏ có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin DN.
- 30% DN giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng TMĐT và các thiết bị di động.
- 50% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong quản lý và sản xuất thương mại dịch vụ.
- 75% thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông.
- 40% DN tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến sản xuất thương mại dịch vụ.
- 90% các thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4.
- 100% lãnh đạo cơ quan Nhà nước sử dụng chứng thực chữ ký số.
- Áp dụng phổ biến đến các DN thực hiện giao dịch chứng thực để bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch TMĐT.
Rõ ràng, theo kế hoạch phát triển TMĐT cả giai đoạn 2017- 2020 của UBND tỉnh và qua thực tế phát triển TMĐT, giải pháp hàng đầu để phát triển TMĐT, giữ vững, tiến đến nâng cao chỉ số TMĐT của tỉnh là đào tạo cán bộ. Do TMĐT đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ giữa người sản xuất, người phân phối, người tiêu thụ, các nhà công nghệ và cơ quan Chính phủ. Các giao dịch giữa DN với DN (B2B), giữa DN với người tiêu dùng (B2C), giữa DN và Chính phủ (B2G), giữa các cá nhân (C2C) đều đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia tin học mạnh, thường xuyên bắt kịp các thành tựu công nghệ thông tin mới phát sinh để phục vụ cho TMĐT và có khả năng thiết kế các phần mềm đáp ứng các nhu cầu của kinh tế số hóa. Do vậy, giải pháp phát triển TMĐT chính là đào tạo các chuyên gia tin học và phải phổ cập kiến thức về TMĐT không những cho các DN, cán bộ quản lý của Nhà nước mà cho tất cả mọi người.
BẢO ANH