Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sở Công Thương Bình Dương vừa tổ chức gặp gỡ giữa các Hiệp hội doanh nghiệp (DN) 4 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai với các Tham tán, Trưởng Chi nhánh Thương mại Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị nhận nhiệm vụ nhằm trao đổi về các vướng mắc, đề xuất giải pháp hỗ trợ kinh doanh với thị trường các nước.
Tăng trưởng kinh tế khả quan
Tại buổi làm việc với đoàn Tham tán, Trưởng chi nhánh thương mại của Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị nhận nhiệm vụ công tác, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương đã cho rằng tình hình tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm của tỉnh rất khả quan. Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi, các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết góp phần làm tăng đáng kể lượng đơn hàng xuất khẩu của các DN với các thị trường xuất khẩu truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhờ việc triển khai các nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát huy hiệu quả, lãi suất, tỷ giá ngoại tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát... hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển khả quan.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Dành và các tham tán, Trưởng Chi nhánh Thương mại Việt Nam tại buổi gặp gỡ với doanh nghiệp các tỉnh
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Hầu hết các DN đều có đơn hàng sản xuất đến hết quý III- 2017, những DN lớn đã ký hợp đồng đến hết năm 2017. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,53% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13.080,4 triệu USD, tăng 16,7% so cùng kỳ, đạt 46,4% so với kế hoạch năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, điện tử, sắt thép... tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả tỉnh. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2017. Từ đầu năm 2017 đến nay, mặt hàng đồ gỗ chế biến xuất khẩu luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng đồ gỗ Trung Quốc, đã tạo cơ hội lớn cho sản phẩm gỗ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này. Lượng đơn hàng xuất khẩu của các DN tăng đáng kể đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Xuất khẩu ngành dệt may đạt mức tăng trưởng khá do lượng đơn hàng xuất khẩu khá dồi dào. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP chưa ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực nào đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của ngành dệt may nói riêng. Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống khác như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản thì hàng dệt may đang có lợi thế cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết đem lại. Kim ngạch xuất khẩu ngành giày dép đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Bỉ, Nhật Bản… liên tục đạt mức tăng trưởng khả quan. Việc FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu được ký kết và có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm giày dép xuất khẩu thâm nhập sâu vào thị trường giàu tiềm năng của các nước trong khối như: Nga, Belarus, Kazakstan... Kim ngạch xuất khầu gốm sứ vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Các sản phẩm gốm sứ Bình Dương đã khẳng định được thương hiệu trên thương trường quốc tế về cả chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ, gia dụng đang rất ưa chuộng tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản và là lựa chọn hàng đầu để thay thế các sản phẩm gốm sứ từ Trung Quốc.
Tình hình thu hút đầu tư trong nước và vốn FDI của Bình Dương tiếp tục tăng theo hướng thu hút những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Một số dự án có vốn đầu tư lớn đổ vào Bình Dương: Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đầu tư gần 285 triệu USD xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III; Tập đoàn Kolon Industries (Hàn Quốc) đầu tư 220 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi lốp ô tô; Công ty Cổ phần Tetra Pak Bình Dương (Singapore) đầu tư 124 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất bao bì đóng gói thực phẩm dạng lỏng; Công ty TNHH Tata Coffee Việt Nam (Ấn Độ) đầu tư 63 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất cà phê hòa tan...
DN chủ động kết nối
Tại buổi gặp gỡ, các DN đều mong muốn các tham tán hỗ trợ mở rộng thị trường, thông tin pháp lý để tìm đối tác, giảm chi phí trung gian trong xúc tiến thương mại.
Ông Vũ Công Điền, Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Bình Dương kiến nghị các tham tán thương mại vấn đề hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa tiếp cận thị trường Đông Âu thay vì hiện nay các DN phải qua các công ty xúc tiến thương mại cá nhân có mức thu phí quá cao, khiến DN khó có cơ hội tiếp cận thị trường vốn nhiều tiềm năng này.
Ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương mong muốn các tham tán thương mại giúp các DN gốm sứ Bình Dương tiếp cận với nhu cầu khách hàng, thị hiếu sản phẩm, mở rộng thị trường để DN Gốm sứ Bình Dương có thể chủ động trong kế hoạch sản xuất, tiết kiệm chi phí…
Bên cạnh đó, các DN rất mong các tham tán thương mại, trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp các thông tin mới nhất kịp thời thị trường, luật pháp, sự thay đổi chính sách các nước mình phụ trách kịp thời trên Cổng thông tin Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh để các DN chủ động điều chỉnh định hướng trong sản xuất, mở rộng thị trường, đầu tư xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao.
Các tham tán thương mại, Trưởng chi nhánh đại diện của Việt Nam tại nước ngoài ấn tượng với mức tăng trưởng, phát triển và năng động của Bình Dương cũng như tiềm năng phát triển của Bình Dương trong tương lai. Các tham tán thương mại sắp nhận nhiệm vụ tại các nước ngoài gồm cả ở các nước lớn và nước nhỏ, các thị trường truyền thống cũng như những thị trường có tiềm năng đã phân tích hết tiềm năng của từng thị trường đã và sắp phụ trách và đưa ra nhiều khuyến cáo bổ ích cho DN. Trên cơ sở tiếp thu các góp ý của DN trên cương vị là cầu nối thương mại, các tham tán luôn xác định nhiệm vụ kết nối kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, sẽ dành nhiều thời gian để mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng Việt và giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam… Song song với đó, các DN cũng cần nỗ lực hơn nữa trong xúc tiến thương mại, đầu tư giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của mình qua website, bảo đảm chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế để hàng Việt dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khó tính.
Các tham tán cảnh báo các DN về tình trạng lừa đảo trên mạng ở những thị trường phát triển hiện nay khá phức tạp. Do đó, khi có hợp đồng với những đối tác, nhất là tại các thị trường mới DN cần hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ hợp đồng, đặc biệt phải am hiểu ngôn ngữ, pháp luật tại thị trường đó để tránh những rủi ro, phiền phức khi thanh toán. Nếu DN có điều gì chưa rõ thì các DN cần liên lạc ngay với tham tán ở các nước sở tại để tìm hiểu thông tin DN, để xác minh năng lực hợp tác, các hình thức thanh toán hợp đồng đúng với pháp luật, tránh tình trạng bị lừa đảo gây thiệt hại lớn về kinh tế. DN có thể chủ động gửi email, gọi điện thoại trực tiếp cho các tham tán trong trường hợp cần sự hỗ trợ kịp thời.
Tại cuộc gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương ghi nhận sự hỗ trợ của tham tán thương mại trong thời gian qua trong vai trò là cầu nối hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị, DN trong việc tiếp cận, tìm hiểu, thâm nhập và phát triển thị trường nước ngoài và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hiệu quả. Ông cũng mong muốn các đơn vị, DN chủ động, thẳng thắn, trao đổi về các vướng mắc, đề xuất giải pháp hỗ trợ kinh doanh, đóng góp ý kiến để đưa ra được những phương thức phối hợp hiệu quả nhất giữa các cơ quan chức năng địa phương và các tham tán, trưởng chi nhánh thương mại Việt Nam ở nước ngoài.
TIỂU MY