Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành nhu cầu, đòi hỏi tất yếu trong phát triển. Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã thúc đẩy mạnh mẽ CĐS thông qua ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc phục vụ nhân dân, chính quyền số, phát triển bền vững, xây dựng thành phố thông minh.
Trong đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 3248/ KH-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, đồng thời cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng CĐS thực hiện một số giải pháp trong quản lý, tổ chức sản xuất, bán sản phẩm nông sản thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ, các kênh bán hàng trực tuyến.
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng, CĐS giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Điều này đã được chứng minh thực tế trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương đã xúc tiến mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này đã có hơn 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để giao dịch mua - bán trên sàn TMĐT.
Tuy nhiên, CĐS trong lĩnh vực hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, hy vọng rằng thời gian tới ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tập trung thực hiện xây dựng và phát triển nền tảng CĐS với các nhiệm vụ trọng tâm như chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số. Cùng với đó, phát triển TMĐT trong tiêu thụ nông sản, phấn đấu toàn bộ sản phẩm OCOP khi được UBND tỉnh công nhận đều đưa lên các sàn TMĐT. Triển khai áp dụng các hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia vào các sàn TMĐT.
Mặt khác, xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực của ngành, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh. Quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời ứng dụng CĐS trong sản xuất, xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp.
PHƯƠNG ANH