| 03-09-2020 | 08:27:42

Khám phá nhà cổ trên đất cù lao

Giá trị của nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên không chỉ ở tuổi đời tồn tại, mà còn thể hiện rõ nét qua kiến trúc nghệ thuật bên trong ngôi nhà...


Một góc di tích nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa hiện nay

Đọng lại với thời gian

Từ phường Uyên Hưng, qua cầu Bạch Đằng chừng vài trăm mét, đến ngã ba tiếp tục rẻ trái, chạy thêm một đoạn nhìn phía phải sẽ thấy bảng giới thiệu “Nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa”. Giữa khung cảnh yên bình, êm ả với những vườn cây ăn trái xanh tươi ở chốn quê này, ngôi nhà cổ hiện lên như một dấu tích lịch sử - văn hóa còn đọng lại của thời gian. Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, được công nhận xếp hạng vào ngày 2-6-2004.

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, có diện tích 500m2, theo lối kiến trúc hình chữ Đinh. Nhà cổ được công nhận là di tích gắn với tên ông Đỗ Cao Thứa (thời điểm công nhận, ông Thứa là chủ nhân ngôi nhà này), nhưng lại được làm từ thời cha của ông Đỗ Cao Thứa. Từ cổng bước vào, giữa vườn cây xanh lá, ngôi nhà hiện ra với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc. Cùng với thời gian, mái ngói âm dương đã phủ màu rêu phong càng làm cho ngôi nhà thêm trầm mặc, cổ kính.


Trang trí bên trong ngôi nhà

Nhìn bên ngoài, ngôi nhà trông khá đơn giản, nhưng khi bước vào bên trong chúng ta sẽ thấy được sự bề thế, sang trọng. Toàn bộ ngôi nhà được làm toàn bằng gỗ quý, dù trải qua thời gian nhưng vẫn còn kiên cố, với những nét hoa văn chạm trổ công phu, tinh xảo. Trong nhà có 36 cột lớn, được gia chủ làm bằng gỗ quý, bóng láng. Điểm nhấn làm cho ngôi nhà thêm phần sang trọng là hệ thống những hoành phi, liễn đối trang trí bên trong đến nay vẫn còn rất rõ nét. Tất cả nội dung thể hiện trên hoành phi, liễn đối đã được dịch nghĩa và làm thành bảng dựng phía bên ngoài để khách đến tham quan có thể tìm hiểu, nghiên cứu thêm. Ngoài ra, trong ngôi nhà còn có nhiều bao lam, đại tự, khánh thờ... được trang trí bằng những hoa văn cách điệu rất tinh xảo. Từ đôi bàn tay khéo léo, những nghệ nhân chạm khắc xưa đã tạo ra những hoa văn trang trí hết sức tinh xảo, đẹp mắt với nhiều chủ đề thể hiện như: Long, lân, quy, phụng, nai, điểu, nho, sóc… Với tuổi đời hơn 100 năm tồn tại, di tích nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa ngày nay là một phần dấu tích phản ánh sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của người dân trên mảnh đất cù lao Bạch Đằng nói riêng và của tỉnh nói chung.

Níu bước lữ khách

Thời gian qua, TX.Tân Uyên đã có nhiều hoạt động, chương trình để phát triển du lịch địa phương. Những di tích đã được công nhận trên địa bàn, cùng với những vườn cây ăn trái đặc sản là những địa chỉ được nhiều du khách tìm về mỗi khi có dịp đến với vùng đất này. Điều lý tưởng là di tích nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa nằm ngay trên mảnh đất cù lao Bạch Đằng - vùng đất có đặc sản nổi tiếng đó là bưởi - nên rất thuận lợi để phát triển du lịch kết hợp.

Bình yên, êm ả là những cảm nhận của khách tham quan khi đặt chân đến di tích này. Di tích nằm trong một khu vườn với rất nhiều cây xanh nên mát mẻ quanh năm. Ngoài những loài cây ăn trái, như: Bưởi, chôm chôm, mận, chuối… trước khuôn viên nhà còn được gia chủ trồng thêm nhiều loại cây cảnh, như: Mai vàng, mai chiếu thủy, vạn tuế... Tất cả những cây trái ngoài vườn đến cây cảnh trước nhà đã tạo cho cảnh quan khuôn viên ngôi nhà thêm phần đẹp mắt, hài hòa với khung cảnh trầm mặc của một di tích nhà cổ.

Nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa hiện nay do bà Đỗ Thị Kim Nga (là cháu đời thứ 5 của chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà) quản lý trông coi và ở tại đây. Hàng ngày, ngôi nhà vẫn mở cửa phục vụ khách đến tham quan, tìm hiểu. Bà Nga cho biết, trước đây khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hàng năm, nhà cổ đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài địa phương đến tham quan. Ngoài khách đoàn, còn có nhiều khách lẻ là người dân, học sinh, sinh viên... “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Cobid-19 nên lượng khách đến tham quan trong năm nay có giảm hơn những năm trước. Di tích hiện vẫn mở cửa hàng ngày nhưng việc tiếp khách đến tham quan cũng hạn chế hơn để bảo vệ sức khỏe mình và mọi người. Hy vọng sau khi hết dịch, du khách sẽ về đây tham quan đông hơn...”, bà Nga nói.

Từ lâu, Bình Dương đã sớm nổi tiếng với nhiều nghề thủ công truyền thống, như: Mộc, sơn mài, gốm sứ... Những công trình kiến trúc nhà cổ trên đất Bình Dương còn tồn tại đến nay là minh chứng cho sự khéo léo, tài hoa, sáng tạo của người thợ Việt trên đất Bình Dương xưa. Những giá trị đang lưu giữ trong những ngôi nhà cổ này là điểm thu hút, lưu luyến bước chân du khách gần xa khi có dịp đến với Bình Dương.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ