| 23-12-2015 | 09:57:57

Khi cộng đồng cùng học tập

Phong trào xây dựng các mô hình “Gia đình hiếu học”,“Dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học” đã góp phần xây dựng xã hội học tập ở cơ sở, khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc. Để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học. Riêng tại Bình Dương, xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) được chọn làm xã điểm xây dựng phong trào này.

 Ông Đỗ Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng trao giấy khen cho các cá nhân có đóng góp đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời. Ảnh: H.THÁI

 Hội Khuyến học tỉnh chọn xã Bạch Đằng để xây dựng thí điểm các mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập” là có cơ sở. Bởi từ lâu đây là địa phương có truyền thống hiếu học. Trong những năm tháng còn nghèo khó, người dân Bạch Đằng vẫn đầu tư cho con cái học tập. Từ truyền thống hiếu học đó, Bạch Đằng đã có những người đạt học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, nhiều thạc sĩ và rất nhiều bác sĩ, kỹ sư, cử nhân… đang đem tài năng phục vụ địa phương và các tỉnh, thành lân cận.

Đầu năm 2015, khi được chọn làm xã điểm, Hội Khuyến học xã đã tham mưu với Đảng ủy, UBND thống nhất kế hoạch hoạt động, chọn UBND đăng ký xây dựng “Đơn vị học tập”, ấp Tân Trạch đăng ký cộng đồng học tập. Tiêu chí đưa ra là có ít nhất 70% số gia đình trong đơn vị đạt danh hiệu gia đình học tập, vì vậy xã vận động cán bộ, công chức tham gia đăng ký và phải đạt danh hiệu gia đình học tập. Các hội viên chi hội cơ quan UBND xã tự giác học tập suốt đời để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao.

Thực hiện mô hình “Cộng đồng học tập”, con em ở ấp Tân Trạch trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Những em có hoàn cảnh khó khăn được ấp và các đoàn thể xã quan tâm tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, giúp các em học tốt hơn. Ở ấp Tân Trạch, hàng năm gia đình văn hóa, gia đình hiếu học đạt từ 91% trở lên; có nhiều gia đình được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình hiếu học tiêu biểu cấp xã, phường, thị xã.

Xã Bạch Đằng còn xây dựng các câu lạc bộ (CLB) gia đình học tập, dòng họ học tập. Đến nay xã đã thành lập CLB với 18 thành viên và dòng họ Huỳnh, Nguyễn, Võ được chọn là dòng họ học tập. Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Chủ tịch Hội Khuyến học nói, bà con quan niệm, nên để lại cho con tri thức hơn là của cải, ruộng đất, vì có tiền của ăn dần cũng hết, còn tri thức thì còn mãi và đó là kho tàng vô giá. Từ những suy nghĩ ấy, bà con đã dốc hết tâm sức lo cho con cái ăn học. Ông Đinh Trung Tâm, Chủ nhiệm CLB thể hiện quan điểm, muốn được đổi đời, có việc làm ổn định và mức lương tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, chỉ có con đường tự giác học tập, học tập suốt đời. Sau một năm thực hiện, người dân đã thay đổi quan niệm về việc học.

Ông Nguyễn Hữu Hiếu còn cho biết, trong tình hình hội nhập, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để có việc làm ổn định thì mỗi người dân phải tự giác học tập, góp phần nâng cao trình độ, nắm vững kiến thức, nắm bắt khoa học kỹ thuật, học mọi lúc, mọi nơi.

Qua một năm thực hiện mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập” đã phát huy được hiệu quả tích cực. Kết quả cho thấy, đến cuối năm 2015, toàn xã có 1.104 hộ được công nhận gia đình học tập, đạt tỷ lệ 91,46%.

Theo ông Nguyễn Văn Tập, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TX.Tân Uyên, qua rút kinh nghiệm thực hiện mô hình học tập suốt đời ở xã Bạch Đằng, năm 2016 Tân Uyên sẽ triển khai ra toàn thị xã. Chỉ tiêu đề ra là 70% gia đình được công nhận “Gia đình học tập”; từ 30 - 50% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 50% cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.

 H.THÁI

Chia sẻ