| 04-03-2015 | 08:24:25

Khi người lao động được chăm lo

Cho đến thời điểm này, gần như 100% công nhân lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi. Nhịp độ sản xuất tại các DN trong các khu công nghiệp đã bắt đầu rộn ràng cùng với khí thế lao động hăng say của người lao động (NLĐ) trong những ngày đầu năm mới. Các DN đã không phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt nguồn lao động đầu năm như trước đây đã từng xảy ra. Điều này chính là kết quả từ công tác chăm lo một cách toàn diện đối với NLĐ của các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn và bản thân các DN.

 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đến cuối tháng 2, gần 90% DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động bình thường trở lại. Số lao động đi làm việc bình quân trong những ngày này đã đạt trên 85%. Cũng theo sở này, trong những ngày đầu tháng 3, hầu như 100% các DN đã bắt nhịp sản xuất, kinh doanh trở lại sau tết. Trên 90% công nhân lao động cũng đã vào ca sản xuất bình thường. Điều này đã khiến các DN gác lại mối lo mà lâu nay họ thường phải đối mặt sau các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đó là sự thiếu hụt và biến động nguồn lao động. Chính vì thế, các DN đã có thể yên tâm đáp ứng đủ các đơn hàng đã ký kết với các đối tác mà không còn phải lo chạy ngược, chạy xuôi để tuyển dụng lao động đầu năm.

Việc NLĐ phấn khởi trở lại làm việc một cách ổn định tại DN có nguyên nhân chính xuất phát từ những chính sách quan tâm, chăm lo một cách toàn diện của tỉnh Bình Dương trong việc bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cũng như đời sống vật, tinh thần, đặc biệt là các hoạt động chăm lo cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Theo con số thống kê, chỉ riêng trong dịp tết, tỉnh đã dành khoảng 130 tỷ đồng để chăm lo phúc lợi cho công nhân lao động. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức chuyến xe nghĩa tình, đưa công nhân về quê đón tết; vận động hàng trăm DN hỗ trợ vé xe miễn phí, đưa đón NLĐ về ăn tết và trở lại làm việc. Riêng khoảng trên 100.000 lao động ở lại Bình Dương đón tết, các cấp, các ngành, các địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tặng quà, các chương trình vui xuân ấm cúng như Xuân yêu thương, Mâm cơm ngày tết và các tụ điểm văn hóa, văn nghệ dành cho công nhân…

Đối với DN, NLĐ được coi là một tài sản quý giá. Còn đối với địa phương, họ chính là một nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì thế, việc chăm lo một cách toàn diện không chỉ giúp giữ chân NLĐ trở lại làm việc và gắn bó lâu dài với địa phương mà còn là một trong những việc làm nhằm tạo thêm sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư của tỉnh. Khi có nguồn lao động ổn định và có chất lượng, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút được đông đảo các DN trong, ngoài nước tìm đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh các địa phương cũng đang hình thành nhiều khu công nghiệp và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa như hiện nay.

 ĐÀM THANH

 

Chia sẻ