Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
21 giờ, chuông điện thoại tòa soạn Báo Bình Dương đổ chuông. Đầu dây bên kia là một giọng nam rụt rè trình bày: “Em là công nhân của một công ty mà ông chủ là người nước ngoài. Mấy tuần nay ông chủ bỏ đi đâu không rõ. Công nhân đến xưởng làm việc thì thấy nhà xưởng đã bị phía chủ cho thuê niêm phong. Hiện công ty còn nợ công nhân 3 tháng lương. Các anh tư vấn giúp em làm sao để đòi được số tiền lương công ty còn nợ…”. Đó là tình hình chung tại nhiều địa phương hiện nay. Làm ăn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bỗng dưng… “vắng chủ”, nói thẳng ra là bỏ trốn. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại lúng túng trong việc xử lý tài sản của những chủ DN bỏ trốn và chưa có chế độ hỗ trợ người lao động. Rơi vào trường hợp này, người lao động chỉ còn biết… kêu trời!
Tình trạng DN FDI “vắng chủ” trong thời gian qua không còn hiếm, mà trái lại đang ngày càng gia tăng. Chính vì vậy mà mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã phải tổ chức cuộc họp đặc biệt để thảo luận tìm giải pháp đối với các DN FDI “vắng chủ”. Theo thống kê bước đầu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện cả nước trên 500 DN FDI với tổng số vốn đăng ký khoảng 903 triệu USD “vắng chủ”, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành thu hút nhiều DN FDI như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hầu hết các DN FDI “vắng chủ” đều có quy mô nhỏ dưới 500.000 USD và thuê lại nhà xưởng của tư nhân hoặc của các nhà đầu tư khác. Nguyên nhân bỏ trốn là do các DN này hoạt động không hiệu quả, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không trả được các khoản nợ... Mặt khác, do thủ tục chấm dứt hoạt động, thanh lý và giải thể DN thường mất nhiều thời gian và tốn chi phí nên nhiều nhà đầu tư chọn cách bỏ về nước, không thực hiện các thủ tục này.
Cũng vì những lý do nêu trên mà hầu hết các DN FDI “vắng chủ” đều nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và không trả lại sổ bảo hiểm cho người lao động, gây ảnh hưởng đến việc chi trả chế độ bảo hiểm cho người lao động. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam không hề có quy định về việc hỗ trợ người lao động đối với những trường hợp nêu trên, nên hầu hết các địa phương có DN FDI bỏ trốn đang rất lúng túng trong việc tìm cách giải quyết quyền lợi cho người lao động!
Từ thực tế trên, cho thấy đã đến lúc cần phải chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Để ngăn chặn tình trạng DN FDI bỏ trốn, trước tiên cần bổ sung cơ chế, quy chế, quy định về điều kiện thành lập DN, điều kiện phê duyệt về nhân sự. Cùng với đó, ngành chức năng địa phương phải thường xuyên tổ chức kiểm tra về nhân sự để sớm phát hiện ra sai phạm và có những chế tài kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Về lâu dài, cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị, Kết luận 80 của Ban Bí thư về việc xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực Nhà nước. Một khi có tổ chức đoàn thể đủ mạnh trong những DN này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
HÀN NGÂN