| 01-07-2014 | 14:19:18

Khơi dậy lòng dân yêu nước

Lần giở sử liệu thời các chúa Nguyễn đều có ghi chép cụ thể về đội dân binh giữ gìn chủ quyền biển, đảo. Theo ghi chép trong các sử liệu, để xác lập chủ quyền biển, đảo trên biển Đông, hàng năm các chúa Nguyễn tuyển chọn ngư dân giỏi nghề đi biển từ các làng chài tại cửa biển Sa Kỳ, sau đó mở rộng ra các phường chài An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn để thành lập đội dân binh. Đội dân binh này thường giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm sản vật và xây dựng, tôn tạo bia chủ quyền. Như vậy, cách đây 400 năm các chúa Nguyễn đã biết dựa vào dân để xác lập chủ quyền biển, đảo và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Vấn đề giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày nay tuy đã khác xa so với thời các chúa Nguyễn, nhưng lòng yêu nước của con dân nước Việt thì vẫn như xưa. Trước tình hình Trung Quốc hạ đặt dàn khoan lấn sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, con dân nước Việt khắp nơi trong và ngoài nước đã đồng loạt lên tiếng bày tỏ chính kiến yêu cầu Trung Quốc rút ngay dàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Không chỉ người Việt trong nước mà cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới cũng đều bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm và sẵn sàng cống hiến trí tuệ, sức lực, tiền của và cả xương máu để bảo vệ Tổ quốc.

Đó chính là tấm lòng, là sự đồng thuận muôn người như một hướng về biển, đảo Tổ quốc của những người dân yêu nước. Người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu với các dân tộc anh em trên thế giới, nhưng lịch sử Việt Nam cũng đã chứng minh người dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu chống lại bất kỳ thế lực xâm lược nào cho dù là hung hăng nhất, hiếu chiến nhất. Sông núi Việt Nam là một, bờ cõi Việt Nam là một, không có thế lực nào có thể chia cắt. Đó là chân lý và cũng là lời thề thiêng liêng của con dân nước Việt đối với mẹ Tổ quốc khi có họa ngoại xâm. Bài học dựa vào dân để giữ gìn chủ quyền biển, đảo của cha ông ta ngày trước vẫn còn nguyên giá trị. Trước tình hình biển Đông đang “dậy sóng”, hơn lúc nào hết bài học dựa vào dân để giữ gìn chủ quyền biển, đảo cần được khơi dậy, phát huy.

Để khơi dậy và biến lòng dân yêu nước thành sức mạnh cả trước mắt và lâu dài vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, các ngành chức năng cần nhanh chóng xây dựng chiến lược tuyên truyền nhằm nâng cao lòng tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm giữ gìn biển, đảo quê hương trong nhân dân. Khơi dậy lòng dân yêu nước không nhất thiết là phải cầm súng đánh giặc mà bằng những hành động dựa vào công việc của từng đối tượng. Cụ thể là khơi dậy lòng dân yêu nước bằng những phong trào rộng khắp, trong đó sinh viên - học sinh phải học thật giỏi, doanh nhân kinh doanh giỏi, công nhân và nông dân sản xuất giỏi… để cùng góp sức vào việc đẩy nhanh phát triển kinh tế. Một quốc gia mạnh về kinh tế chắc chắn sẽ là quốc gia có điều kiện tốt nhất để chống lại các thế lực thù địch từ bên ngoài.

 LÊ QUANG

Chia sẻ