| 10-04-2018 | 08:55:27

Khơi dậy tinh thần phụ nữ khởi nghiệp

Phụ nữ hiện chiếm hơn 50% dân số trong tỉnh và toàn tỉnh hiện có khoảng 6.300 nữ doanh nhân. Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (PNKN) giai đoạn 2017-2025 (gọi tắt là Đề án 939) của Chính phủ ban hành năm 2017 đã tạo cơ hội góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, hỗ trợ PNKN, phát triển doanh nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện bình đẳng về giới trên nhiều lĩnh vực...

 Cơ hội cho phụ nữ

Bà Trương Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, cho biết phụ nữ Bình Dương chiếm hơn 50% dân số trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 6.300 nữ doanh nhân đang tham gia hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Lực lượng lao động nữ ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong tỉnh chiếm khá cao.

 Phụ nữ Bình Dương tham gia triển lãm các mô hình sản xuất sáng tạo. Trong ảnh: Sản phẩm sáng tạo của Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất (TX. Tân Uyên). Ảnh: T.LÊ

Ngày 30-6-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ PNKN giai đoạn 2017-2025” và Ban chỉ đạo Đề án tỉnh Bình Dương đã cụ thể hóa bằng Đề án “Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Bình Dương khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”. Sở dĩ nói đây là cơ hội để PNKN vì theo Hội LHPN Việt Nam, số doanh nghiệp do nữ làm chủ, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, với đặc tính giới, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời liên quan đến gia đình và con cái khiến phụ nữ có ít cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi…

Tại Bình Dương, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã khích lệ chị em tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đặc biệt, thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” trong 2 năm từ 2014- 2015, hội đã đào tạo được 603 lao động nữ và giải quyết việc làm cho 365 chị. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp nữ chỉ chiếm gần 20%, tỷ lệ nữ tham gia trong Ban giám đốc, Ban quản lý còn ít, chưa tương xứng với tiềm lực của phụ nữ; nữ trong độ tuổi lao động, phần đông là lao động giản đơn, thu nhập thấp, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định còn nhiều; việc gắn kết giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm còn bất cập.

Cụ thể hóa đề án

Để cụ thể hóa Đề án 939 cho phù hợp với đặc thù của Bình Dương, Hội LHPN Việt Nam tỉnh đã chia làm hai giai đoạn nhằm thực hiện đề án một cách hiệu quả. Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2018 đến 2020; giai đoạn 2 từ năm 2021 đến 2025. Các giai đoạn được thực hiện thông qua tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế; các hoạt động hỗ trợ PNKN như hỗ trợ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh; tổ chức hội thi “Ngày PNKN”; hỗ trợ hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tiếp cận tín dụng và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội Nữ doanh nhân tỉnh, các chi hội nữ doanh nhân…

Trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức hội thảo “Hỗ trợ PNKN và định hướng phát triển” nhằm tạo điều kiện cho Hội LHPN các tỉnh, thành trao đổi kinh nghiệm, học hỏi các mô hình hay của các nữ doanh nhân, các đơn vị; có thêm thông tin khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lực hỗ trợ PNKN, khởi sự kinh doanh. Đặc biệt, Hội LHPN huyện Phú Giáo cũng đã ra mắt được Hợp tác xã May mặc Tân Hiệp Phát (xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo), vừa thành lập ngày 5-3-2018 với 7 thành viên và 30 nhân công, số vốn điều lệ là 100 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2018, hội sẽ ra mắt tổ tư vấn thẩm định nhằm thẩm định những ý tưởng sáng tạo của phụ nữ; thực hiện đề án bằng sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành để tăng khả năng kết nối…

“Khó khăn mà chúng tôi gặp ban đầu là do Hội LHPN tỉnh trước đây thường làm công tác từ thiện và phong trào. Thực hiện đề án khởi nghiệp cho phụ nữ, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các chị em trên lĩnh vực khởi sự, kinh doanh. Hội cũng có nhiều thuận lợi như nhận được sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời giữa các ngành, các đơn vị, sự hỗ trợ về truyền thông… và quan trọng nhất là sự hưởng ứng của chị em phụ nữ trong tỉnh về đề án này. Đây cũng là động lực vô cùng to lớn để chúng tôi thực hiện tốt vai trò cầu nối của mình”, bà Trương Thanh Nga chia sẻ. 

 THANH LÊ 

Chia sẻ