Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đến với xã nông thôn mới (NTM) nâng cao Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên), chúng tôi nhận thấy cuộc sống bà con đã đổi thay, phát triển. Người dân nơi đây đã mạnh dạn phát triển kinh tế với những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh thương mại - dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Phát triển kinh tế hộ luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa kiểng của gia đình anh Quang, ấp 2, xã Lạc An
Chúng tôi vừa có dịp đến tìm hiểu mô hình trồng hoa kiểng của gia đình anh Bùi Hà Duy Quang ngụ tại ấp 2. Khu vườn nhà anh Quang lúc này tập trung các loại hoa sứ, hoa mai, bông trang, lộc vừng và khá nhiều hoa lan. Dẫn chúng tôi lên vườn lan được trồng tách biệt, anh Quang tâm sự: “Chơi hoa kiểng và hoa lan nói riêng phải thật sự thích mới thấy có giá trị. Gia đình trồng hoa chủ yếu phục vụ bà con tại địa phương, nhất là dịp tết. Lan có chậu nhỏ, chậu lớn giá từ 50.000 - 60.000 đồng/chậu hoa lan thường; vài trăm ngàn đến vài triệu/chậu cũng có. Dịp tết đang đến gần, gia đình mang đến cho bà con những chậu hoa với giá phù hợp với thu nhập của người dân”, anh Quang cho biết.
Nông dân Lạc An phần lớn sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ, hộ gia đình, phát triển kinh tế hộ luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh các mô hình trồng trọt, hiện trên địa bàn xã có 30 hộ chăn nuôi đều cam kết bảo vệ môi trường, bảo đảm khoảng cách tối thiểu với khu nhà ở và nguồn nước theo quy định.
Ông Nguyễn Thái Mỹ, Chủ tịch UBND xã Lạc An cho biết: “Người dân xã Lạc An chủ yếu trồng cây cao su, trồng lúa. Những năm gần đây phát triển thêm lĩnh vực cây ăn trái có múi. Nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, UBND xãphối hợp cùng MTTQ và các đoàn thể phối hợp vận động nhân dân học nghề, giới thiệu việc làm, phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn… tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển”.
So với giai đoạn trước đây, xã Lạc An bây giờ đã phát triển thêm rất nhiều mô hình kinh tế mới, ứng dụng các kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật như mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất cam hữu cơ (Organic USA) và chuỗi liên kết sản xuất với Công ty TNHH Nông sản Đăng Khôi của Hợp tác xã Năm Hạng. Mô hình trồng rau thủy canh của chị Trần Minh Hiếu, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Lê Minh Sang, mô hình sản xuất cam sành theo công nghệ VietGAP của trang trại Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thành Nhân và tổ hợp tác cây có múi ấp 4...
Cách UBND xã không xa, chợ Lạc An là trung tâm buôn bán, giao thương đáp ứng nhu cầu mua sắm chính của người dân địa phương. Chợ được khởi công xây dựng năm 2017, có tổng diện tích khoảng hơn 1.280m2, với 106 sạp, 30 ki-ốt đạt chuẩn theo quy định, có bãi đậu xe và giữ xe phía trước chợ 350m2. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn 15 cửa hàng tiện lợi, tạp hóa góp phần vào sự phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương.
Phát huy hiệu quả các điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập bình quân của người dân xã Lạc An được tăng lên hàng năm. Địa phương chỉ có 18/2043 hộ nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 0.88%. Khi điều kiện vật chất của người dân được nâng lên đã có tác động trở lại để xã xây dựng các tiêu chí của xã NTM nâng cao. Trong đó, các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp để xây dựng hệ thống hạ tầng như đèn chiếu sáng, nâng cấp các tuyến đường bê tông, xi măng...
Đến nay, xã Lạc An đã khoác lên mình một diện mạo khang trang hơn. Nhiều tuyến đường đã được bê tông, xi măng thuận tiện đi lại. Các con đường thôn, xóm đều có cây xanh hai bên tạo cảnh quan hài hòa, đẹp mắt. Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp thực hiện bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, ngõ, hẻm...
TIẾN HẠNH