Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét nâng hạn mức tín dụng phù hợp để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, sẽ có thêm hơn 240.000 tỷ đồng vốn sẽ được cho vay ra nền kinh tế trong dịp cuối năm nay.
Theo các chuyên gia, quyết định nới “room” tín dụng lên mức 15,5- 16% cho toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước sẽ có tác động tích cực đến tâm lý khách hàng, giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực, mang đến kỳ vọng thị trường bất động sản (BĐS) sẽ được “hâm nóng”. Thị trường, BĐS được đánh giá sẽ hưởng lợi từ động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh, cho rằng các doanh nghiệp (DN), người mua nhà và nhà đầu tư đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Do đó, việc tăng cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất, kinh doanh; trong đó có DN BĐS, người mua nhà chính là một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất. “Nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu DN để vượt qua khó khăn hiện nay, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế”, ông Châu nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, để “xốc” lại thị trường BĐS, không chỉ là tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng, gốc rễ phải tháo gỡ được các vấn đề liên quan tới pháp lý. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án BĐS. Các DN kỳ vọng, đây sẽ là động lực để “khơi thông” cho thị trường này.
PHƯƠNG AN