Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Việc Bộ Công thương thống nhất sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh gas sau động thái giá gas tăng “khủng” (tăng 70.000 - 80.000 đồng/bình 12kg, tương đương 20%), đã cho thấy thị trường mặt hàng thiết yếu này vẫn còn nhiều khuất tất. Câu chuyện gây bức xúc của giá gas không chỉ dừng lại ở việc một doanh nghiệp xưa nay vẫn giành thế độc quyền phân phối mặt hàng này, mà còn liên quan đến công tác điều hành giá cả thị trường của các cơ quan hữu quan, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đang cận kề.
Giá gas tăng nhảy vọt và không hề dự báo trước, chắc chắn được viện dẫn là nguyên cớ đẩy giá nhiều mặt hàng khác có liên quan trên thị trường lên cao hơn nữa. Riêng đối với các thành phần “đục nước béo cò” thì đây quả là cơ hội để “làm giá”, mượn danh giá gas tăng để “té nước theo mưa”. Không quá khó để nhìn thấy điều đó, nhất là với các bà nội trợ quen việc chi tiêu, mua sắm hàng ngày. Từ mức giá bữa ăn sáng cho đến các mặt hàng sản xuất từ gas trên thị trường, đã hoặc đang nhen nhóm tăng giá mà câu lý giải quen thuộc của nhiều chủ hàng là bởi giá gas tăng quá cao.
Không chỉ vậy, điều gây bức xúc dư luận nữa là mặc dù lượng gas sản xuất trong nước chiếm đến 50% thị phần, nhưng giá gas bán lẻ vẫn bị điều chỉnh theo giá thế giới. Ở đây, câu chuyện lại liên quan đến chính sách điều tiết, kiểm soát giá cả thị trường. Qua đợt tăng giá gas lần này, có khá nhiều điều bất hợp lý trong việc điều chỉnh giá đã gây bất lợi cho người tiêu dùng - vấn đề này một lần nữa được ông Nguyễn Tiến Thỏa - Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam - bày tỏ. Rồi gắn liền với đó là dấu hỏi về sự kiểm soát lượng gas tồn kho, liệu có thực sự minh bạch để khi tăng giá không bị thao túng, gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng…?
Mới đây, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quyết tâm không để xảy ra biến động giá gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhất là với các mặt hàng nông sản và tiêu dùng. Do vậy, từ câu chuyện giá gas tăng “kỷ lục” trong thời điểm cuối năm, đặt để ra nhiều vấn đề cho công tác điều hành giá cả, thị trường của các ngành chức năng. Xăng, dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác phục vụ thị trường tết, nhờ các ngành, các địa phương có kế hoạch khá chủ động từ trước nên cho đến nay nhìn chung vẫn ổn định được mức giá cũng như bảo đảm nguồn cung ứng. Vậy thì, không thể để giá gas diễn biến phức tạp hơn nữa, gây ảnh hưởng dây chuyền đến giá cả nhiều mặt hàng khác, dẫn tới bất an về tâm lý người tiêu dùng.
Việc điều chỉnh giá cả tăng hay giảm cần tuân theo quy luật của thị trường, song vẫn phải bảo đảm sự hợp lý và cần tính tới yếu tố thời điểm, tránh gây xáo trộn đến đời sống người dân. Do vậy, việc quản lý chặt chẽ thị trường gas có thể được xem là phần việc cần làm ngay trong chuỗi điều hành của các ngành chức năng nhằm ổn định thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giúp nhân dân an tâm mua sắm tết.
• Q.MINH