| 19-09-2024 | 08:18:19

Không lơ là, chủ quan trong phòng, chống thiên tai

Trước những diễn biến khó lường của mùa mưa bão năm 2024, nhất là những ngày qua trên địa bàn tỉnh mưa bão đã gây thiệt hại về người và tài sản của người dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT); tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành khảo sát công trình dự án nạo vét, gia cố Suối Giai đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai trên địa bàn TP.Tân Uyên

Thời tiết diễn biến khó lường

Mùa mưa bão năm 2024, do ảnh hưởng của hiện tượng Enso chuyển sang trạng thái La Nina, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trận mưa to đến rất to trên diện rộng. Trung bình lượng mưa đo được tại các trạm tính đến ngày 16-9 là 1.311mm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 trận thiên tai, làm 2 người chết do nước cuốn trôi, 4 người bị thương nhẹ do cây đổ vào nhà; làm tốc mái, hư hỏng 25 căn nhà, ngập 5 phòng học, hư hỏng 4 nhà màng trồng dưa lưới, thiệt hại gần 98 ha lúa, hoa màu, gãy đổ 0,4 ha cây cao su, sập 4 cổng chào, panô... Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 2,196 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các địa phương đã phối hợp huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị nước cuốn trôi, đưa người bị thương đi cấp cứu; tổ chức thăm hỏi gia đình nạn nhân; hướng dẫn, điều tiết giao thông; hỗ trợ người dân dọn dẹp hiện trường, sửa chữa nhà cửa. Đồng thời, ngành chức năng xác minh, đánh giá thiệt hại, thực hiện thủ tục hỗ trợ gia đình người bị nạn, người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Tại Hội nghị trực tuyến về tình hình phòng, chống mưa bão trên địa bàn tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, yêu cầu trong công tác PCTT phải nghiêm túc thực hiện chế độ trực ban, không được chủ quan, lơ là. Các cơ quan báo, đài, truyền thông của địa phương tăng cường cập nhật và truyền, phát tin kịp thời về tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai để người dân biết, chủ động phòng tránh. Các địa phương yêu cầu chủ đầu tư công trình tiêu thoát nước, công trình xây dựng cầu, đường đang thi công phải cảnh báo, túc trực 24/24 giờ, cắm biển báo tại khu vực nguy hiểm; tuyệt đối không để người dân, phương tiện lưu thông vào những điểm hay xảy ra ngập, nước chảy xiết khi mưa bão diễn ra. Các địa phương phải bảo vệ an toàn tính mạng người dân, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của người dân trong mùa mưa bão; đồng thời hỗ trợ, khắc phục kịp thời những gia đình bị ảnh hưởng do mưa bão gây ra…

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, từ nay đến hết mùa bão khả năng sẽ còn xảy ra 4-7 cơn bão trên Biển Đông. Đài Khí tượng Thủy văn khuyến cáo cần đề phòng trong thời gian bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông và trong thời gian chuyển mùa sẽ gây mưa lớn, giông lốc, sét, gió giật xuất hiện nhiều với cường độ mạnh trong mưa giông; mưa rất to trong thời gian ngắn và mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Tổng lượng mưa từ tháng 9 đến tháng 11-2024 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%; trong đó tháng 9 và tháng 10 khả năng xảy ra những đợt mưa trên diện rộng, một số nơi có mưa to đến rất to kéo dài 5-10 ngày. Mùa mưa năm 2024 khả năng kết thúc muộn, vào khoảng từ ngày 25-11 đến 5-12…

Phối hợp thực hiện nghiêm các giải pháp

Để phòng, tránh hiệu quả với thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban PCTT theo quy định để theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết mưa, bão, tình hình thủy văn, xả tràn các hồ chứa, thông tin kịp thời đến các địa phương; tham mưu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả trước, trong và sau thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra các công trình thủy lợi, đê bao, công trình PCTT, tiêu thoát nước…; đồng thời khẩn trương sửa chữa các công trình bị hư hỏng, đặc biệt là hệ thống đê bao, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở…; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp.

Các huyện, thành phố cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCTT; hướng dẫn, phổ biến kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến trên địa bàn tỉnh như giông lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở bờ sông, hạn chế tình trạng chủ quan dẫn đến thiệt hại về người. Các địa phương thực hiện nạo vét khai thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch, mương tiêu thoát nước, hệ thống thoát nước đường; xử lý nghiêm những trường hợp san lấp, xây dựng lấn chiếm hành lang sông, suối, kênh, rạch tiêu thoát nước thuộc địa bàn quản lý...

Các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư trục thoát nước, giải quyết ngập, như Dự án đầu tư giải quyết điểm ngập khu vực ngã ba Cống đường Thích Quảng Đức (từ ngã ba Cống đến cầu Bà Hên), TP.Thủ Dầu Một; dự án trục thoát nước Suối Giữa; dự án trục thoát nước suối Bưng Cù... 

THOẠI PHƯƠNG - NGỌC THÌN

Chia sẻ