| 14-03-2024 | 08:53:16

Không lo thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh

 Trước bối cảnh doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra các gói hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, kích cầu tín dụng trong năm 2024.

 Các ngân hàng phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024. Trong ảnh: Giao dịch tại Phòng Giao dịch BIDV Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một

 Chủ động nguồn vốn ưu đãi

Đáp ứng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vay tiêu dùng đầu năm 2024, một số ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng lãi suất thấp, gói giải pháp hỗ trợ DN. Cụ thể, Ngân hàng Công thương (Vietinbank) đang có gói ưu đãi lên đến 300.000 tỷ đồng, lãi suất đặc biệt ưu đãi, chỉ từ 5%/năm đối với VNĐ. Thời gian thực hiện từ nay đến hết tháng 4-2024. Mức lãi suất vay cạnh tranh này được ưu tiên áp dụng đối với các DN xuất nhập khẩu, hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đồng hành cùng DN xuất nhập khẩu mở rộng giao thương quốc tế, từ nay đến hết năm 2024 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng triển khai chương trình ưu đãi tỷ giá mua bán ngoại tệ tới 170 điểm. Đối với khách hàng mới, nhà băng này miễn phí tới gần 10 phí dịch vụ trong vòng 1 năm.

Bên cạnh đó, hiện nay khách hàng DN lớn có thể tiếp cận mức lãi suất ưu đãi ngắn hạn thấp hơn lãi suất vay thông thường đến 2%/năm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) để bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh. Chương trình ưu đãi hướng đến các DN có phương án, hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vốn vay ngắn hạn. Từ đầu năm, ngân hàng này đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất vay thấp hơn từ 2,5- 3%/năm so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, triển khai ưu đãi tín dụng dành cho khách hàng DN đầu tư dự án thuộc 6 ngành trọng điểm (lãi suất cố định năm đầu chỉ từ 6%/năm); DN nhỏ và vừa (SME) vay bổ sung vốn lưu động ngắn hạn (lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường 1,5%/năm).

Lãi suất vay thấp nhất trong vòng 20 năm

Bức tranh kinh tế năm 2024 dù còn tồn tại nhiều thách thức nhưng không ít chuyên gia cho rằng, đây sẽ là năm bản lề cho sự bứt phá, dựa trên nền tảng những thành quả đã đạt được trong năm 2023, cũng như triển vọng về đầu tư công và tư nhân trong và ngoài nước. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua cũng kích thích nhu cầu vay vốn từ DN. Các ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lớn, phủ đều khắp tất cả các phân khúc, từ DN SME, DN lớn cho đến DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho rằng, Step up là lời cam kết của Vietinbank trong việc đồng hành cùng DN vượt qua các thách thức trên thị trường, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn giá tốt, giảm bớt áp lực tài chính để tập trung tăng tốc kinh doanh. Cũng theo lãnh đạo này, ngoài việc ưu đãi lãi suất trên quy mô lớn, Vietinbank cũng không ngừng tinh gọn quy trình, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng hơn. Với mạng lưới gồm 155 chi nhánh và gần 1.000 phòng giao dịch trải dài khắp 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Vietinbank luôn sẵn sàng là người đồng hành tin cậy của cộng đồng DN trên mọi chặng đường phát triển.

Tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết cơ quan này đã 4 lần liên tục giảm lãi suất điều hành trong năm 2023 với mức giảm 0,5-2%/ năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. Phó thống đốc cũng đánh giá lãi suất vay đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Về triển vọng tín dụng năm 2024, ông Đào Minh Tú dự báo năm 2024 đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế, chắc chắn nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên, theo đó phải có nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển. Cũng theo ông Đào Minh Tú, song song với yếu tố này, muốn tăng tín dụng phải phụ thuộc vào các yếu tố như lãi suất. Vì vậy, hiện nay, lãi suất đã giảm, thấp hơn trước dịch bệnh nhiều. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để tín dụng có thể sẽ tăng mạnh trở lại.

Về tình hình tiền tệ tại địa phương, ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn hiện nay đã giảm, các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Đ ể tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, NHNN - Chi nhánh Bình Dương đã đưa ra các giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền về các chương trình, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đến các đối tượng khách hàng. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ưu tiên. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng.

 Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương: NHNN - Chi nhánh Bình Dương sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách ưu đãi vốn cho sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 15% trong năm 2024.

 THANH HỒNG

Chia sẻ