Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bộ trưởng Nguyễn Quân mong muốn tinh thần khởi nghiệp năm Bính Thân sẽ mạnh mẽ.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2015 là tạo động lực cho các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Đây được xem là một trong những lực lượng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản để các nhà khoa học trẻ, các startup thực sự phát huy trí tuệ, bản lĩnh của mình để khởi nghiệp thành công.
Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã chia sẻ về vấn đề này.
- Thưa Bộ trưởng, sự kiện Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ và các nhà khoa học trẻ đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong năm vừa qua, tạo động lực cho các nhà khoa học trẻ đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều nhà khoa học trẻ đi học và ở lại nước ngoài làm việc. Nguyên nhân là do đâu và Bộ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Lý do nhiều nhà khoa học không muốn quay về không phải vì ngành khoa học công nghệ trong nước không có cơ hội, mà vấn đề ở môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ.
Nếu như các nhà khoa học về Việt Nam, làm việc tại một viện có cơ sở vật chất nghèo nàn, đồng nghiệp không cùng chí hướng, tư duy, thu nhập thấp, không có chế độ chăm lo để nhà khoa học dành tối đa thời gian cho hoạt động nghiên cứu thì họ sẽ không về nước.
Bởi thế, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu năm 2016 phải cố gắng đưa vào thí điểm một viện nghiên cứu mà nơi đó có môi trường tốt nhất, không bằng thì cũng gần bằng những cơ sở nghiên cứu của nước ngoài để xem với môi trường như thế, các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài có về không?
Trước đây, chúng ta đã từng xây dựng Viện Toán cao cấp và mời Giáo sư Ngô Bảo Châu làm đồng viện trưởng, nhưng giáo sư cũng chỉ về mấy tháng mỗi năm. Mặc dù ở đó chế độ đã cao hơn các viện khác, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu và mức mà các nhà khoa học của chúng ta ở nước ngoài đang được hưởng. Bởi thế, nhà khoa học cảm thấy về đây không thể làm hết được năng lực của mình, không tạo ra những sản phẩm khoa học xứng đáng…
Chính vì thế, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST) là một mẫu thí điểm, ở đấy chúng ta cũng thí điểm áp dụng cơ chế quản lý tương tự của viện KIST (Hàn Quốc) phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi đó, các nhà khoa học sẽ thấy đủ điều kiện để họ trở về…
Tuy nhiên, hiện có một cản trở là quy chế tài chính của V-KIST vẫn chưa được ban hành. Một số người cứ nói rằng tại sao ở V-KIST lại phải có chế độ lương bổng, chế độ khác cao thế và đề nghị chỉ nên áp dụng theo quy định hiện hành…
Quan điểm của tôi là nếu chỉ theo quy định hiện hành thì không cần V-KIST làm gì. Bởi hiện nay chúng ta đang có hàng trăm viện của nhà nước hoạt động theo cái gọi là cơ chế hiện hành và hiệu quả của chúng đến đâu thì chúng ta đều biết… Về phía mình, chúng tôi mong muốn có một viện nghiên cứu với cơ chế đặc thù, ở đó cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ có thể không được như nước ngoài nhưng cũng tương đương và trước mắt làm sao thu hút được những người giỏi nhất của chúng ta ở cả trong nước và nước ngoài cống hiến cho đất nước.
- Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ có đóng góp nhiều vào việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây có vẻ là vấn đề còn mới ở Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hệ sinh thái khởi nghiệp mới được nói đến nhiều trong 1 năm trở lại đây nhưng chúng ta chưa có khái niệm về hệ sinh thái khởi nghiệp. Thậm chí đến nay cũng không có khái niệm về đầu tư mạo hiểm - thành tố quan trọng nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngay cả những người làm về tài chính ở Việt Nam cũng ít có khái niệm về đầu tư mạo hiểm. Đó là điều rất bất cập vì xung quanh chúng ta là những quốc gia làm khởi nghiệp, họ đã quan tâm và phát triển đầu tư mạo hiểm từ mấy chục năm nay và họ đã thành công.
Khi làm Luật Công nghệ cao năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào quy định sớm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Tuy nhiên, tới nay vẫn trầy trật không làm được quỹ này, bởi chẳng có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, làm cho ai cũng sợ sẽ vướng vào pháp luật nếu không may thất bại trong các dự án đầu tư cho khoa học và công nghệ…
Nhiều người cho rằng, quỹ đầu tư mạo hiểm để tư nhân làm chứ nhà nước không nên tham gia. Thế nhưng, nếu nhà nước không tham gia thì tư nhân nào dám làm khi không có khuôn khổ pháp lý để bảo vệ? Bỏ một núi tiền vào đó, đến lúc có chuyện rủi ro ai bảo vệ họ khỏi tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “cố ý làm trái quy định.” Khi thành công sau bao nhiêu thất bại thì ai chấp nhận lợi nhuận khổng lồ của khoản đầu tư mạo hiểm sẽ là thu nhập chính đáng và hợp pháp?
Ở các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ - nơi sản sinh ra đầu tư mạo hiểm - ban đầu Nhà nước cũng phải tham gia, làm mẫu để hình thành luật pháp, chính sách, sau đó tư nhân mới yên tâm làm theo, và bây giờ chủ yếu là tư nhân làm đầu tư mạo hiểm…
Cách đây 3 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm một đề án nghiên cứu cấp bộ có tên “Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon.” Trong đó thí điểm làm mô hình nhỏ để nghiên cứu xem bản chất đầu tư mạo hiểm là cái gì? Vận hành thế nào và thành công của nó ra sao?
Với đề án này, chúng tôi chỉ hỗ trợ một ít kinh phí giúp đề án mời chuyên gia đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, kêu gọi các nhóm nghiên cứu trẻ có triển vọng, có ý chí muốn khởi nghiệp tham gia…
Đến nay, trong số 9 nhóm khởi nghiệp ban đầu đã có 3 nhóm khởi nghiệp được các nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận đầu tư. Mặc dù họ chỉ được tài trợ 5.000 – 10.000 USD từ đề án này nhưng khi hoàn thiện công nghệ và chào bán ý tưởng của họ, có đề án đã được các nhà đầu tư nước ngoài định giá tới 2 triệu USD.
- Cuối 2015, hình ảnh startup Nguyễn Hà Đông ngồi với CEO của gã khổng lồ Google tại Việt Nam tràn lan trên các mạng xã hội. Trước thềm xuân mới, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì với các startup Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi rất kỳ vọng vào giới trẻ Việt Nam, bởi vì trong những năm qua, họ đã chứng tỏ được bản lĩnh, năng lực sáng tạo. Những người như Nguyễn Hà Đông là một ví dụ rất điển hình, họ không cần có đề tài dự án cấp nhà nước nhưng khởi nghiệp rất thành công…
Nhiều người cứ nói rằng, phải là những nhà khoa học có bằng cấp cao, phải chủ nhiệm rất nhiều đề tài dự án này kia thì mới có thể thành công. Nhưng, tôi tin giới trẻ có thể thành công trong những điều kiện chúng ta không thể ngờ được và thực tế trong lịch sử, có nhiều trường hợp như vậy.
Tôi cũng cho rằng đối với thế hệ trẻ, cái họ cần nhất là tự do sáng tạo. Với những người làm khoa học nói chung, chúng ta đừng rằng buộc họ bởi những quy định rất hành chính. Chắc chắn Nguyễn Hà Đông phải mất nhiều đêm để làm Flappy Bird, đã thất bại hàng trăm lần mới thành công, mà không phải do viện nào giao nhiệm vụ, cũng không phải cứ đến cơ quan đúng giờ…
Làm khoa học cần sự đam mê và ý tưởng, và người ta dành toàn bộ thời gian, sức lực, tiền bạc vào việc đó, theo đuổi đến cùng, có thể thất bại và phải chấp nhận văn hóa thất bại. Nhiều cán bộ khoa học trẻ nói rằng, nếu chúng ta không có văn hóa thất bại sẽ không ai có thể thành công. Ngay cả Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 20% các đề tài nghiên cứu thành công và được ứng dụng, còn một số đề tài khác cũng thành công nhưng mà chưa ứng dụng được và chắc chắn có rất nhiều đề tài thất bại. Cho nên chúng ta cần chấp nhận văn hoá thất bại trong khoa học. Ngay ở Việt Nam, người xưa đã từng có câu “thất bại là mẹ thành công” để khuyên mọi người chấp nhận văn hóa thất bại và đừng nản lòng khi thất bại.
- Thưa Bộ trưởng, mục tiêu trong năm 2016 của ngành khoa học và công nghệ sẽ là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thứ nhất là làm sao đưa được Luật Khoa học công nghệ vào cuộc sống thông qua các Nghị định, Thông tư. Điều này đòi hỏi có sự đổi mới tư duy của cả hệ thống và đồng thuận cao của các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính.
Mong muồn thứ 2 của tôi là tinh thần khởi nghiệp năm nay phải mạnh mẽ, để 5-10 năm sau chúng ta có thể trở thành 1 quốc gia khởi nghiệp… Năm 2015, chúng ta đã có 1 chút kinh nghiệm về hệ sinh thái khởi nghiệp, nếu năm 2016 bắt đầu khởi động được tư duy khởi nghiệp thì hi vọng 5-10 năm tới, chúng ta sẽ có trào lưu khởi nghiệp mới thành công và phát triển mạnh.
Thứ ba là chúng tôi mong muốn hệ thống chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ có hiệu quả hơn, giữ vững và phát triển thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo VNA)