Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh cải tiến, đổi mới công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh được tỉnh cụ thể hóa trong nhiều chính sách, chương trình. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (PTKH&CN) tỉnh, nhiều DN đã tiếp cận với công nghệ sản xuất mới, phát triển khá hiệu quả.
Từ nguồn vốn ưu đãi, DN đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong ảnh: Công nghệ lò hơi sử dụng năng lượng mặt trời tại Công ty Kỹ nghệ Nhiệt & Môi trường Caxe
Trợ lực hiệu quả
Thống kê sơ bộ tại một số DN trên địa bàn tỉnh, cho thấy chi phí đầu tư cho nghiên cứu, triển khai cũng như tỷ trọng thiết bị, công nghệ cao còn ở mức thấp, hợp đồng chuyển giao công nghệ của DN chưa nhiều, thiếu vốn đầu tư... Cùng với đó trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất ở các DN nhìn chung vẫn còn thấp. Từ đó dẫn đến hạn chế khả năng cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập.
Trước thực trạng đó, tỉnh khuyến khích DN ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh thông qua hỗ trợ tham gia vào các dự án KH&CN, hướng dẫn cách thức tiếp cận các chính sách về đổi mới, cải tiến và chuyển giao công nghệ, cho vay và bảo lãnh vay vốn đối với các dự án PTKH&CN…
Nhiều năm qua, Công ty TNHH Kỹ nghệ Nhiệt & Môi trường Caxe (TP.Dĩ An) rất quan tâm đến công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN để nâng cao sức cạnh tranh. Tháng 9-2021, công ty được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ PTKH&CN tỉnh trị giá 6 tỷ đồng để triển khai dự án “Nghiên cứu cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ sấy gỗ bằng năng lượng mặt trời kết hợp với hơi nước và chế tạo, lắp đặt, chuyển giao công nghệ mới”. Dự án nhằm mục tiêu triển khai rộng, lan tỏa nhanh việc áp dụng công nghệ mới trong chế biến đồ gỗ tại thị trường Việt Nam.
Bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty Caxe, cho biết nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ PTKH&CN tỉnh đã giúp công ty thực hiện dự án đúng tiến độ. Công ty có điều kiện tăng thêm sản phẩm KH&CN cũng như đáp ứng được nhu cầu vềchất lượng sản phẩm trong xuất khẩu, chủ động về công nghệ và có được kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo cơ hội cạnh tranh trên thị trường.
Bà Hứa Thị Huần cho biết thêm: “Thời gian tới đơn vị vẫn cần nguồn vốn đầu tư để nghiên cứu công nghệ nano gỗ, trong đó nghiên cứu các thông số công nghệ tối ưu nanowood cho 3 loại vật liệu nano: dioxittitan, oxit cylic và oxit dong. Đề tài này được kỳ vọng phục vụ mục đích sử dụng cho các loại gỗ rừng trồng trong điều kiện nâng cao chất lượng gỗ hiện nay”.
Nhiều đơn khác trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ với sự hỗ trợ từ Quỹ PTKH&CN tỉnh, như Hợp tác xã Cao su Nhật Hưng, Công ty Thương mại điện tử Aloha… Ngoài ra, Quỹ PTKH&CN tỉnh còn đầu tư kinh phí vào các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện cho các DN hoàn thiện công nghệ, trực tiếp sản xuất và thương mại hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm.
“Cú hích” từ vốn
Thời gian qua, Quỹ PTKH&CN đã thực hiện đạt một số kết quả nhất định. Theo đó, trong năm 2021, 2022 đã cấp kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN với 14 hợp đồng, tổng số tiền gần 13,6 tỷ đồng. Hoạt động cho vay của Quỹ PTKH&CN tỉnh đã giúp các DN có thêm nguồn vốn để đầu tư tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Với nguồn vốn tín dụng ưu đãi lãi suất thấp, các đơn vị vay vốn sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả PTKH&CN. Tình hình thu hồi nợ vay tốt, không có nợ xấu, bảo tồn được nguồn vốn được giao”, ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Quỹ PTKH&CN tỉnh, nhận xét.
Tuy vậy, thực tế hoạt động cho vay tại quỹ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các vướng mắc về quy trình, thủ tục trong tiếp cận vốn vay của DN. Vì vậy, nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ PTKH&CN đến tay DN cần vốn vẫn còn hạn chế.
THANH HỒNG