| 19-07-2023 | 08:57:24

Kích “bánh xe” cho đầu tàu kinh tế

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Tuy nhiên, Nghị quyết 24-NQ/TW cũng đánh giá: Vùng Đông Nam bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...

Để Vùng Đông Nam bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, chưa đầy 2 tháng sau khi Nghị quyết 24 ra đời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Xúc tiến đầu tư Vùng Đông Nam bộ với chủ đề: “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”. Tiếp theo đó, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực đã tiến hành tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa các tỉnh, nhằm tạo đột phá, mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế của cả vùng. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh - hạt nhân của Vùng Đông Nam bộ.

Và, hôm qua (18-7), tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Thủ tướng nhấn mạnh, hội đồng phải hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất; tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, đồng thời tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng: Ách tắc giao thông, vấn đề môi trường và vấn đề nhà ở.

Rõ ràng, các tỉnh, thành trong Vùng Đông Nam bộ phải sát cánh cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm mới phát huy được hiệu quả. Việc thành lập Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ do chính Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch là cách tổ chức mới, sẽ kịp thời giải quyết, hóa giải được những điểm nghẽn bất cập thời gian qua của vùng. Khi đầu tàu kinh tế đã có người cầm lái, tin tưởng rằng, bằng sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng và nỗ lực cao của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và sự góp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác liên quan sẽ phát huy được tiềm năng khác biệt, vượt trội, sớm đưa nền kinh tế Vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh, xứng tầm và bền vững.

 KỲ TÂN

Chia sẻ