| 14-11-2022 | 08:26:05

Kinh tế tập thể linh hoạt chuyển đổi, phát triển

(BDO) Từ nhiều năm qua, Bình Dương luôn quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã (HTX) hoạt động ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, các HTX đã và đang nỗ lực chuyển đổi về nội dung và hình thức hoạt động nhằm thích ứng kịp thời với môi trường sản xuất, kinh doanh (SXKD) mới.

 Linh hoạt, năng động ứng dụng CĐS giúp tăng hiệu quả SXKD. Trong ảnh: Thành viên HTX TM-DV Sinh vật cảnh Đồng Tâm ứng dụng phần mềm trong bán hàng giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh

 Thích ứng với thị trường

Bên vườn hoa lan đang khoe sắc rực rỡ, chị Thạch Thị Kim Hoa (thành viên HTX TM-DV Sinh vật cảnh Đồng Tâm, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng) gây ấn tượng bởi giọng nói thánh thót, sự chân tình, nhiệt huyết qua những buổi livestream trên trang Facebook. Bên cạnh kênh bán sỉ cho các cửa hàng, vườn hoa lớn trên địa bàn tỉnh, kênh bán hàng trực tuyến qua Facebook giúp cho thành viên HTX mở rộng thị trường. Thay vì phải đi chào từng cửa hàng như trước đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tiết kiệm nhiều chi phí và sức lực.

Chị Hoa phấn khởi khoe: “Nguồn thu nhập online của mình rất tốt, một ngày livestream 2 tiếng đồng hồ, hiệu quả thấy rõ, có hôm chốt hơn 1.000 chậu hoa. Ngoài duyên bán hàng, am hiểu công nghệ, quan trọng nhất là nguồn hàng của mình phải tốt, cây đẹp mới nhận được tín nhiệm dài lâu của khách. Chi phí để phục vụ cho bán online tầm khoảng 100 triệu đồng như trang bị máy tính, máy in, mua phần mềm bán hàng... Do đơn hàng của mình luôn đạt tỷ lệ tốt, tình trạng “bom hàng” gần như không có nên rất có uy tín với các bưu cục. Ngoài các phần mềm bán hàng trả phí, Viettel còn cung cấp cho một phần mềm bán hàng miễn phí”.

Ông Trần Văn Thân, Giám đốc HTX Đồng Tâm, cho biết: “Chị Hoa là một trong những thành viên nổi bật nhất của HTX bởi sự năng động, giỏi giang và nhiệt huyết. Linh hoạt thích ứng với thời đại 4.0, áp dụng công nghệ vào bán hàng đã giúp cho vườn lan của chị Hoa được cộng đồng khách hàng trên mạng biết đến. Trên thực tế có rất nhiều vườn hoa đẹp, nhưng các thành viên lớn tuổi không am hiểu về công nghệ nên phát triển chậm hơn”. Câu chuyện của thành viên HTX Đồng Tâm cho thấy, hiện nay việc áp dụng chuyển đổi số (CĐS) vào SXKD phù hợp theo lĩnh vực hoạt động của các HTX tăng hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 218 HTX hoạt động ở các lĩnh vực như vận tải, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, môi trường và Quỹ tín dụng nhân dân. Nhiều HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX có nguồn nhân lực trẻ, năng động đã bước đầu thành công qua việc mạnh dạn, chủ động, tiếp cận, đầu tư, kết nối sản xuất, tiêu thụ với các HTX cùng loại hình hoặc khác theo chiều hướng tăng ứng dụng CĐS thông qua phương thức thương mại điện tử (Facebook, Zalo, fanpage...). Các HTX cũng tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có thương hiệu xuất xứ sản phẩm (OCOP, hữu cơ, GlobalGAP).

Các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng một số giải pháp riêng như sử dụng ứng dụng chuyên ngành để quản lý, vận hành. Điển hình như HTX Vận tải Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) ứng dụng camera quản lý hành trình, HTX TM-DV Sinh vật cảnh Đồng Tâm (huyện Dầu Tiếng) sử dụng phần mềm bán hàng, HTX Thép Toàn Lực (thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên) đầu tư website để quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm...

Giải pháp thúc đẩy

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực kinh tế tập thể tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào SXKD ngày càng nhiều. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.

CĐS giúp phát triển được mô hình kinh doanh và sáng tạo ra sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, phát triển được kênh bán hàng, phân phối đến các thị trường tiềm năng, tối ưu chi phí... Tuy nhiên, khó khăn, rào cản mà HTX gặp phải trong quá trình CĐS là chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ, thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ. Đặc biệt, để triển khai CĐS thành công, người lao động cần phải được đào tạo đầy đủ về kỹ năng...

Theo ông Phạm Trọng Nhân, để bảo đảm phát triển và từng bước góp phần CĐS phù hợp trong tình hình mới, Bình Dương đã và đang thực hiện các giải pháp như tích hợp tất cả các thông tin về Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh, tích hợp các quy hoạch phát triển HTX vào quy hoạch tỉnh. Qua đó, có thể tìm ra những giải pháp không chỉ về công nghệ mà còn tạo ra một Vùng đổi mới sáng tạo để phát huy tốt nhất sự tương tác của “Nhà nước - Kinh tế tập thể” nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và cải thiện tốt hơn nữa trong quá trình CĐS đối với HTX trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành có HTX hoạt động trong lĩnh vực quản lý phải theo dõi, tuyên truyền về thông tin công nghệ, giải pháp công nghệ hiện nay, kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp phù hợp trong sản xuất và từng bước CĐS. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua sàn giao dịch điện tử, thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thị trường.

 Bình Dương hiện có 218 HTX hoạt động ở các lĩnh vực như vận tải, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, môi trường và Quỹ tín dụng nhân dân. Nhiều HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX có nguồn nhân lực trẻ, năng động đã bước đầu thành công qua việc mạnh dạn, chủ động, tiếp cận, đầu tư, kết nối sản xuất, tiêu thụ với các HTX cùng loại hình hoặc khác theo chiều hướng tăng ứng dụng CĐS thông qua phương thức thương mại điện tử (Facebook, Zalo, fanpage...).

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ