| 18-06-2022 | 08:57:24

Kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ

Kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển đã hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thông qua các mô hình KTTT đã thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.


Mô hình trồng cây có múi của HTX Dân Tiến, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên cho hiệu quả cao, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên

Tăng cả lượng và chất

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 18-3-2002, hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và các chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế hợp tác và HTX đã có bước phát triển mạnh mẽ, ấn tượng. Trong 20 năm qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 13 đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy khu vực KTTT ngày càng phát triển. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn phân theo loại hình kinh tế, trong đó KTTT chiếm 0,22% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang có sự chuyển dịch mạnh theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, bảo đảm sản phẩm sạch, hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 102 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 1.020 thành viên; 68 HTX nông nghiệp (tăng 59 HTX so với năm 2001) với 957 thành viên, vốn điều lệ gần 193 tỷ đồng. Các HTX đã được củng cố và ngày càng phát triển, hầu hết đều làm ăn có lãi, thu nhập bảo đảm đời sống các thành viên; đồng thời góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Doanh thu bình quân của HTX gần 3 tỷ đồng, lãi bình quân từ 800 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động là 72 triệu đồng/năm.

Trong những năm qua, tiềm năng, nội lực của HTX được nâng lên, đặc biệt là trình độ quản lý, khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn. Nhiều HTX đã thu hút được cán bộ chuyên môn, cán bộ trẻ đã qua đào tạo về làm việc và đảm nhận được vai trò kết nối giữa hộ thành viên với doanh nghiệp. Trong số các HTX có 22/68 HTX tiêu biểu ứng dụng công nghệ cao, tiêu thụ ổn định. Đơn cử như HTX Cây ăn quả Tân Mỹ có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Co.opmart, Co.opFood. HTX Nông nghiệp Nhân Đức đầu tư hệ thống điện, máy bơm làm dịch vụ tưới tiêu cho các thành viên, được chứng nhận sản xuất hữu cơ. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới và liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Bình An Hà Nội. HTX Năm Hạng áp dụng công nghệ cao Organic… Cùng với đó, nhiều HTX có các sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 4 sao…

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết trước đây bà con nông dân nơi đây sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa tận dụng hết tiềm năng. Do đó, người nông dân muốn “sống” được cách duy nhất là liên kết, tham gia HTX. HTX là cầu nối cho việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho thành viên, tăng thu nhập, góp phần ổn định sản xuất và phát triển kinh tế hộ của thành viên. “Để HTX phát triển vững mạnh, bản thân tôi cũng không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi thêm nhiều kỹthuật trồng cây ăn quả cho năng suất, hiệu quảcao đểphổbiến lại cho các thành viên trong HTX. Đồng thời tôi cũng mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, hướng dẫn thành viên tiếp cận, áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng bưởi, cam, quýt của HTX luôn đạt chất lượng, giá cả ổn định, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên”, ông Tiến chia sẻ thêm.

Giải pháp phát triển

Những năm qua, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được củng cố và chú trọng chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước khắc phục những tồn tại, nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và thị trường. Tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giúp các HTX đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển do vướng các thủ tục chính sách còn chưa phù hợp thực tế, việc thẩm định đơn giá tài sản thế chấp theo quy định còn thấp…

Mặt khác, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu; sự liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX còn yếu. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, không có tích lũy để tái sản xuất; sử dụng nguồn lao động chưa nhiều, giải quyết việc làm cho lao động chưa ổn định, còn mang tính thời vụ, thu nhập các thành viên, người lao động trong một số HTX còn thấp...

Trong giai đoạn 2021-2025, để phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Châu Ân, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác - Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn), cho biết ngành nông nghiệp tập trung vào nhiều giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2012 và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX; tuyên truyền và tạo sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thống nhất về bản chất, mô hình HTX kiểu mới trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của KTTT, HTX. Mặt khác, chấn chỉnh tổ chức HTX hiện có và hướng dẫn HTX mới thành lập hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012; vận động giải thể hoặc chuyển hình thức xuống tổ hợp tác, thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp đối với những HTX không thể tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012; nghiên cứu đề xuất để ban hành thêm các chính sách mang tính địa phương để tiếp tục hỗ trợ phát triển KTTT phùhợp với nhu cầu, điều kiện và trình độ phát triển, phù hợp với khả năng nguồn lực của ngân sách.

Ngoài ra, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong khu vực KTTT, HTX, như: Chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đồng thời, đánh giá lại các mô hình KTTT có hiệu quả để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030: Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng vàphát triển mô hình KTTT, HTX nhanh và bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thểvà tổ chức tham gia KTTT, HTX; khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX kiểu mới, tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của HTX, nâng cao hơn nữa vai trò của HTX đối với phát triển, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình; nâng cao đời sống nhân dân; đặc biệt là kinh tế hộ nông dân góp phần ổn định kinh tế, chính trị - xã hội.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ