Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Dù trải qua năm 2022 đầy biến động và khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế của Bình Dương tiếp tục để lại nhiều dấu ấn, trong đó điểm nhấn là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn ở vị trí nhóm đầu cả nước. Với những nỗ lực của mình, Bình Dương đã và đang khẳng định ưu thế hấp dẫn trong thu hút FDI. Đây cũng chính là hành trang để tỉnh bước vào năm 2023, với mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.
Các sản phẩm đồ chơi trí tuệ của Tập đoàn Lego trưng bày tại lễ khởi công nhà máy thuộc Khu công nghiệp VSIP III
Chủ động chọn lọc
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2022, Bình Dương dự kiến thu hút đầu tư FDI khoảng 1,8 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, riêng các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh phấn đấu thu hút 1,2 - 1,3 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, từ 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Kết quả, đến hết năm 2022, tỉnh đã thu hút được 3,14 tỷ đô la Mỹ (tăng 48,8% so với cùng kỳ), riêng các KCN của tỉnh đã thu hút hơn 2 tỷ đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 4.080 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn gần 40 tỷ đô la Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, các nhà đầu tư vẫn tìm đến với Bình Dương. Khả năng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, doanh nghiệp (DN) được đặt ở vị thế ngày càng cao với những bảo đảm về quyền lợi lâu dài, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại đồng bộ... là những điểm tựa vững chắc để nhà đầu tư yên tâm. Nhưng để ngày càng có nhiều dự án quy mô, chất lượng, tỉnh phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong tình hình mới.
Theo PGS, TS. Hoàng Vĩnh Long (Văn phòng Trung ương Đảng), từ việc phát huy các yếu tố “thiên thời, địa lợi”, Bình Dương đã chủ động, mạnh dạn nắm bắt thời cơ nhằm khai thác yếu tố thuận lợi về địa lý, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng... đã tạo thương hiệu Bình Dương trong thu hút đầu tư. Bên cạnh những điểm sáng đó, bức tranh thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao tại Bình Dương vẫn còn những gam màu trầm khi các quốc gia đầu tư vào tỉnh chủ yếu đến từ khu vực châu Á, có trình độ khoa học kỹ thuật không cao. Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chủ yếu vẫn là gỗ nội thất, hàng may mặc, da giày, dệt, là những ngành thâm dụng lao động, chưa có hàm lượng công nghệ cao... Chính vì vậy, Bình Dương cần bổ sung thêm những chính sách mới nhằm gia tăng hiệu quả thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang được Bình Dương tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, sẽ vẫn tập trung theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, phát huy lợi thế như môi trường đầu tư ổn định, vị trí thuận lợi, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn lực lao động, hạ tầng cơ sở... Đặc biệt, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, đánh giá năng lực tài chính, uy tín của nhà đầu tư; kiên quyết từ chối những dự án không chất lượng, không hiệu quả, không phù hợp với định hướng của tỉnh.
Cơ hội mới
Hiện nay, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á có tổng vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Điều này cho thấy Bình Dương cần có thêm những giải pháp hiệu quả hơn nhằm thu hút các DN FDI đến từ khu vực phát triển hơn. Nhận thức rõ được điều này, tỉnh liên tục tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư từ các nước phát triển như: Mỹ, EU, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Úc…
Đáng chú ý, thời gian gần đây Bình Dương đang dịch chuyển dần sang thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Nổi bật là việc nhiều nhà đầu tư châu Âu, trong đó có Đan Mạch, Hà Lan, Pháp… đang chọn Bình Dương làm “cứ điểm” sản xuất. Năm 2022, trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Bình Dương, Đan Mạch dẫn đầu với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư vào tỉnh.
Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở KH&ĐT, Bình Dương xác định mục tiêu, năm 2023 phấn đấu thu hút 1,8 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư FDI ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh kiên trì quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả. Trong đó, chú trọng đối tác giàu tiềm năng như Nhật Bản, Singapore, châu Âu... để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp nội địa. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư đến từ châu Âu gần đây, thể hiện môi trường đầu tư chất lượng cao và ngày càng hấp dẫn của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dành chia sẻ Bình Dương vẫn không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển DN đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH. Lãnh đạo tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư và DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tỉnh mong muốn rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chọn Bình Dương là điểm đến đầu tư, gắn bó lâu dài.
NGỌC THANH