Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhiều bà mẹ trẻ thắc mắc, họ thường lấy lá khế vò nát, xoa vào nơi bị rôm sảy, nổi mề đay của con cho hết ngứa. Như thế có đúng không? Theo thầy thuốc Lê Hưng, Hội Laser Y học tỉnh, dùng lá khế theo kinh nghiệm dân gian là đúng nhưng không nên vò lá tươi để xoa lên vết ngứa mà lá khế cần rửa sạch, nấu và lấy nước tắm thì tốt hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để bớt triệu chứng ngứa chứ không phải chữa dứt rôm sảy được.
Lý do không nên chà xát lá khế tươi là vì da của trẻ con còn non, nếu dùng lá khế tươi để chà xát lên các nốt mề đay sẽ làm cho da bị tổn thương nhiều hơn. Có khi lá khế không sạch, nhiễm thuốc trừ sâu hay vi khuẩn gây bệnh càng có hại hơn. Bệnh dị ứng mề đay là loại dị ứng ngoài da khá phổ biến. Vị trí hay gặp là đầu, mặt, thân hình, tay chân. Mề đay khiến cho người mắc phải dị ứng bị nổi gồ lên mặt da những vết đỏ, rất ngứa và khó chịu. Tùy cơ địa từng người, có người mề đay chỉ xuất hiện và biến mất sau vài giờ, có khi chúng tồn tại vài tháng. Nguyên nhân dị ứng do cơ thể dị ứng với chất kích thích (rượu, bia…) hay có khi do thức ăn như tôm, cua, thịt gà… Có khi dị ứng mề đay do tác dụng phụ của các loại thuốc. Yếu tố tinh thần như bực bội, lo âu, buồn phiền quá mức cũng tác động đến cơ thể gây nên bệnh.
Ngoài các bài thuốc nam dùng để thanh nhiệt, trị bệnh, có thể dùng lá khế để nấu nước, tắm rửa nhằm làm dịu cơn ngứa ngáy, khó chịu.
HƯƠNG CẦN