Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sáng 22-11, người thân của sản phụ Bùi Thị Mỹ Ly (30 tuổi, ở P.Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi) vô cùng bức xúc cho rằng chính thái độ làm việc tắc trách của một số bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện (BV) đa khoa Quảng Ngãi đã đẩy con của sản phụ Ly rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.
Sáng cùng ngày, khi PV có mặt tại Khoa Nhi, nơi cháu bé con của sản phụ Ly đang cấp cứu để chụp ảnh, gặp người nhà tìm hiểu vụ việc thì bị lực lượng bảo vệ hăm dọa, ngăn cản và hành hung không cho tác nghiệp với lý do "lãnh đạo BV không cho phép!".
Đến khi lực lượng công an có mặt tại hiện trường, bảo vệ BV mới chịu xuống nước để cho các PV tiếp cận với người nhà sản phụ.
Anh Lê Văn Vũ, chồng của sản phụ Ly đau đớn vì con của mình bị “chết lâm sàng”Bà Trương Thị Đẩu (55 tuổi), mẹ của sản phụ Ly bức xúc: “Con tui nhập viện được các bác sĩ khám 2 lần và lúc nào cũng nói sức khỏe bình thường. Khi nó (sản phụ Ly - PV) chuyển dạ la đau quá, người nhà yêu cầu mổ, bác sĩ vẫn không chịu và nói chờ đẻ thường. Đến khi mổ lấy thai nhi ra ngoài thì cháu của tui đã “chết lâm sàng” rồi”.
Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng Khoa Phụ sản, BV đa khoa Quảng Ngãi, trưa 19-11, sản phụ Ly nhập viện, được các bác sĩ khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng theo đúng quy trình. Tim thai và quá trình chuyển dạ của sản phụ Ly cũng diễn tiến bình thường, chỉ có tiền sử cao huyết áp. Vì thế, các bác sĩ chưa có chỉ định mổ mà chỉ chờ sản phụ Ly đẻ thường.
Đến 20 giờ 10 ngày 19-11, sản phụ Ly bất ngờ vỡ ối, dây rốn sa ra âm đạo nên được đưa đi mổ gấp để lấy thai nhi. Do thiếu ô-xy từ mẹ sang con qua hệ thống dây rốn nên sau khi chào đời, bé trai nặng 3,3 kg rơi vào tình trạng bị ngạt nặng, không có nhịp tim, không có nhịp thở (chết lâm sàng). “Sa dây rốn là một tai biến sản khoa mà các bác sĩ sản khoa không thể dự phòng trước được”, bác sĩ Thanh nói.
Sau nhiều ngày được cấp cứu tại Khoa Nhi, BV đa khoa Quảng Ngãi nhưng trẻ sơ sinh con của sản phụ Ly vẫn thở thụ động theo máy, hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu, hiện chỉ còn cách dùng kháng sinh nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Ông Phạm Ngọc Lân - Phó giám đốc BV đa khoa Quảng Ngãi nói rằng trước mắt BV cố gắng điều trị tích cực để cứu sống cháu bé, sau đó mới thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét toàn bộ vụ việc.
Theo TNO