Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức, diễn ra từ ngày 27-9 đến ngày 29-9 tại Thủ đô Hà Nội. Phiên họp có sự tham gia của 306 đại biểu là các em đội viên, thiếu nhi tiêu biểu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó Bình Dương có 5 đại biểu. Các em đều là những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc vượt qua các vòng phỏng vấn của Hội đồng Đội Trung ương để trở thành đại biểu chính thức tham gia phiên họp. Năm nay, phiên họp sẽ tập trung vào 2 chủ đề: Phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường. Trước thềm phiên họp, 5 đại biểu đến từ Bình Dương đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng đại diện cho thiếu nhi gửi đến phiên họp.
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và Tỉnh đoàn tặng quà cho các đại biểu tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”
Phạm Võ Linh Đan, Liên đội trưởng Liên đội THCS Nguyễn Văn Cừ: “Cần xây dựng Hội đồng tiếng nói trẻ em tại địa phương”
Linh Đan là gương mặt tiêu biểu đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập cũng như trong công tác Đội, như: Danh hiệu “Nhà sử học nhỏ tuổi xuất sắc” tỉnh Bình Dương năm 2023; đạt Giải thưởng Kim Đồng năm học 2023-2024; bằng khen của Tỉnh đoàn và của UBND tỉnh vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2023; đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Bình Dương năm 2023…
Chia sẻ về ước mơ của mình, Linh Đan nói: “Em mong sau này mình sẽ trở thành một nữ luật sư để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những trẻ em yếu thế”. Đến với phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, Linh Đan đề xuất, kiến nghị cần xây dựng Hội đồng tiếng nói trẻ em tại địa phương; xây dựng các chương trình hoạt động liên tịch với các bộ, ngành để thực hiện một cách đồng bộ quyền tham gia của trẻ em; thường xuyên tổ chức các diễn đàn, các cuộc giao lưu gặp gỡ giữa lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành với trẻ em để lắng nghe suy nghĩ và những đề xuất về những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Nguyễn Vi Khánh, Liên đội trưởng, Liên đội Tiểu học Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên): “Cần thúc đẩy chương trình vừa chơi vừa lấy ý kiến”
Vi Khánh từng đạt giải ba hội thi “Thiếu nhi kể chuyện theo sách” tỉnh Bình Dương lần thứ XIII, năm 2023; đạt giải nhì hội thi “Nhà sử học nhỏ tuổi” tỉnh Bình Dương năm 2023; đạt giải nhất hội thi “Em là phát thanh viên nhí” cấp huyện năm học 2022-2023; đạt giải nhất tại hội thi “Thiếu nhi kể chuyện sách” huyện Bắc Tân Uyên năm 2024…
Đến với phiên họp giả định, Vi Khánh muốn gửi gắm: “Em thấy có rất nhiều bạn nhỏ có các ý kiến riêng của bản thân, thế nhưng trong các buổi sinh hoạt hay các buổi hoạt động lấy ý kiến trẻ em, đa số các bạn đều rụt rè chưa dám phát biểu đưa ra ý kiến. Theo em, cần thúc đẩy chương trình vừa chơi vừa lấy ý kiến, thông qua không khí vui vẻ, các bạn sẽ mạnh dạn bày tỏ để đóng góp ý kiến của bản thân mình”.
Nguyễn Ngọc Mai An, Ủy viên Ban Chỉ huy Liên đội THCS Mỹ Phước (TP. Bến Cát): “Tăng cường tổ chức các diễn đàn, đối thoại giữa lãnh đạo với trẻ em”
Mai An đạt danh hiệu học sinh xuất sắc 8 năm liền; thủ khoa đầu vào lớp 6 tạo nguồn Trường THCS Mỹ Phước năm học 2021-2022; đạt danh hiệu “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” cấp tỉnh năm 2024; giải nhất hội thi “Tìm kiếm tài năng dẫn chương trình MC học đường” tỉnh Bình Dương lần thứ VII, năm 2023 khối THCS; đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Đội năm học 2023-2024; đạt giải nhất hội thi “Nghi thức Đội - Chỉ huy Đội - Phụ trách sao giỏi và múa hát tập thể” năm 2021; đạt giải ba cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2021…
5 đại diện của tỉnh Bình Dương tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024
“Ước mơ của em là trở thành một MC song ngữ. Bởi lẽ, đối với em, việc sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau khi dẫn chương trình có thể giúp bản thân trở thành cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau, qua đó thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Bên cạnh đó, đam mê được đứng trên sân khấu và lan tỏa những thông điệp tích cực cũng là một trong những lý do quan trọng khiến em ngày càng nhiệt huyết với ước mơ này hơn”, Mai An cho hay.
Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, An đề xuất cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ, giao lưu, đối thoại giữa các cấp lãnh đạo với trẻ em, qua đó có thể lắng nghe những suy nghĩ và đóng góp của trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, để trẻ em có một môi trường phát triển lành mạnh.
Nguyễn Thị Kim Chi, Liên đội trưởng Liên đội THCS Phú Chánh (TP.Tân Uyên): “Trẻ em cần được bảo vệ trên không gian mạng”
Kim Chi xuất sắc đạt giải ba cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS” cấp thành phố năm học 2023-2024; đạt danh hiệu “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” cấp tỉnh năm 2024; đạt danh hiệu “Nhà sử học nhỏ tuổi” cấp tỉnh năm học 2022-2023; nhận bằng khen của Tỉnh đoàn vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Dương năm học 2022-2023 và bằng khen Tỉnh đoàn với thành tích tiêu biểu trong Liên hoan thiếu nhi vượt khó học tốt tỉnh Bình Dương… Ước mơ của Chi là trở thành giáo viên để có thể góp phần xây dựng các mầm non tương lai của đất nước trở thành công dân có ích cho xã hội, xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh hơn.
“Trẻ em hiện nay phải đối mặt với rất nhiều nguy hại, đặc biệt là những nguy hại trên không gian mạng xã hội (MXH). Sử dụng MXH như thế nào là đúng để trẻ em không bị ảnh hưởng bởi những điều xấu, hoặc những sự tiêu cực từ MXH vẫn còn là một dấu hỏi rất lớn. Em hy vọng rằng, các nội dung thông tin được đăng tải trên MXH sẽ được rà soát chặt chẽ hơn để trẻ em sẽ không bị ảnh hưởng trong việc tiếp nhận thông tin. Đồng thời, em mong rằng cần có nhiều hoạt động và sân chơi bổ ích, thú vị hơn nữa để đội viên, thiếu nhi có thật nhiều cơ hội để rèn luyện và trưởng thành”, Chi nói.
Nguyễn Thái Thanh, lớp 9A4, Trường THCS Hòa Lợi (TP.Bến Cát): “Cần có hình thức răn đe nặng hơn đối với nạn bạo lực học đường”
Đam mê âm nhạc, ngay từ đầu những năm học cấp 2, Thanh đã tự mày mò học đàn guitar. Hiện tại, em đang là thành viên của Ban nhạc KMC, nơi tập hợp các bạn trẻ yêu âm nhạc. Đồng thời, Thanh cũng tự sáng tác hơn 25 bài hát. Thanh mong rằng ngày nào đó em có thể đứng trên sân khấu lớn trình bày những bài hát mà mình đã viết và được mọi người hưởng ứng, đón nhận.
“Khi chứng kiến nhiều vụ bạo lực trong học đường, em thấy các biện pháp xử lý còn khá nhẹ. Cần có hình thức răn đe nặng hơn trong vấn đề xử phạt, nâng cao trách nhiệm của những người có liên quan để hạn chế vấn nạn bạo lực học đường” là ý kiến của Thanh gửi đến phiên họp lần này.
VƯƠNG PHẠM