| 13-10-2023 | 22:50:29

Lắng nghe, tìm giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, UBND tỉnh, các sở ngành cộng đồng trách nhiệm, quan tâm, hướng dẫn hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng trong sản xuất, kinh doanh.

Khó khăn, thách thức

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong 9 tháng năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đơn hàng sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Vốn lưu động của các DN thiếu nghiêm trọng do khách hàng chậm thanh toán, hoặc đơn hàng đã hoàn thành nhưng khách hàng yêu cầu giao sau thời điểm dự kiến ban đầu, hàng hóa tồn kho nhiều. Lãi suất vay vốn tăng cao, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn, do DN không còn tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng bị cắt giảm. Việc vay tín chấp trên phương án kinh doanh lại càng khó khăn, chỉ có những DN lớn mới tiếp cận được...

Ông Hoàng Kiều Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ hiện tại các DN ngành gỗ đang gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng. Hầu hết thị trường đều giảm đơn đặt hàng, trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, từ 30% đến 40% so với cùng kỳ năm 2022. “Các DN vẫn phải cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên. Nếu cho công nhân nghỉ việc đến khi có đơn hàng trở lại sẽ không có nhân công, việc tuyển dụng rất khó khăn và mất nhiều thời gian, nhất là các công nhân lành nghề. Trước tình trạng trên, rất mong tỉnh hỗ trợ hiệp hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường, đơn hàng, hỗ trợ DN vượt khó”, ông Phong cho biết.

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương phát biểu tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trong nước do tỉnh tổ chức vừa diễn ra

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh, cho biết việc hội nhập quốc tế của DN trong nước gặp khó khăn do không thuộc đối tượng hưởng chính sách. Bên cạnh đó, các chính sách DN được thụ hưởng cũng chưa thật sự phát huy được hiệu quả. Bà Liên cho rằng, để DN tồn tại được cần sự hỗ trợ để tái cơ cấu lại sản xuất, giảm bớt chi phí...

Tăng cường giải pháp

Thông tin về giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết thời gian qua, sở đã phối hợp phát triển các dịch vụ hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tận dụng những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Song song đó, ngành công thương tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, nhằm củng cố, phục hồi các thị trường xuất khẩu truyền thống (Âu - Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Quốc...), đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mới như, Ấn Độ, Canada, khu vực châu Mỹ, Trung Đông, Liên minh kinh tế Á - Âu...

Sở Công thương cũng phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư duy trì hoạt động tổ chức hội nghị xúc tiến, tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu cho các hiệp hội, DN thông qua công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức kết nối giúp các DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI, nhất là DN lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, cho biết để hỗ trợ DN tiếp cận các gói vay tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khác để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để đối thoại trực tiếp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tại hội nghị đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, DN vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các sở ngành chú trọng vấn đề để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ, khó khăn, vướng mắc, nhất là những tồn đọng kéo dài.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập nhóm Zalo với cộng đồng DN, phối hợp với các đơn vị liên quan trả lời, phản hồi được 180/189 phản ánh, kiến nghị của các DN. Các nội dung phản ánh, kiến nghị nhiều nhất là thủ tục hành chính, tài chính, thuế, hải quan, việc làm, lao động, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cộng đồng DN, tỉnh đang xây dựng ứng dụng tiếp nhận và xử lý trên ứng dụng “Bình Dương số”, Zalo Official Account nhằm triển khai rộng rãi hơn công tác nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ