| 06-09-2014 | 10:15:33

Lãnh đạo mừng, phụ huynh yên tâm

Tiếng trống trường đã điểm, một năm học mới lại bắt đầu. Hơn 316.600 học sinh (HS) các cấp trong toàn tỉnh đã chính thức bước vào năm học mới. Trong đó, chỉ tính riêng số lượng HS tăng thêm ở các cấp học trong năm học mới này đã chiếm con số “kỷ lục” với hơn 28.000. Sau bao nỗi lo trường, lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và số lượng cán bộ, giáo viên đáp ứng nhu cầu HS tăng thêm, đến thời điểm này có thể nói lãnh đạo ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và chính quyền địa phương các cấp đã có thể thờ phào nhẹ nhõm, còn phụ huynh thì yên tâm vì con em họ đã có chỗ học ổn định.

Trong những năm gần đây, do nhu cầu về lao động của Bình Dương tăng cao đã thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành trong nước đến làm ăn, sinh sống. Kéo theo đó là nhu cầu về chỗ ở, trường học, nơi khám chữa bệnh và vui chơi giải trí dành cho người lao động và con em họ, trong đó trường học luôn là áp lực căng thẳng nhất đối với ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương các cấp. Năm nay, theo dự báo ban đầu Bình Dương có khoảng 26.000 HS tăng thêm ở các cấp học. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, số lượng HS tăng thêm ở các cấp học đã đạt con số trên 28.000, tăng hơn 2.000 HS so với dự báo ban đầu. Điều này ít nhiều đã đặt ngành GD-ĐT và các địa phương vào thế bị động trong việc giải quyết chỗ học cho HS.

Với số lượng trên 28.000 HS tăng thêm ở các cấp học, chỉ cần làm bài tính nhẩm, mỗi trường trung bình có 20 lớp học, mỗi lớp có 40 HS. Để giải quyết chỗ học cho riêng số lượng HS tăng thêm, các địa phương trong tỉnh phải xây mới 35 ngôi trường, tương đương 700 phòng học, mới đáp ứng đủ nhu cầu chỗ học cho số lượng HS tăng thêm trong năm học mới này. Mặc dù số lượng HS tăng thêm trong năm học mới vượt khá xa so với con số dự báo ban đầu, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và linh động trong cách giải quyết chỗ học cho HS, nên ngành GD-ĐT và các địa phương trong tỉnh đã giải quyết tốt nhu cầu chỗ học cho HS. Tính đến ngày khai giảng năm học mới 2014-2015, ngành GD-ĐT và các địa phương trong tỉnh đã xây mới và đưa vào sử dụng được 23 công trình lầu hóa trường học, một số trường học còn diện tích đất chủ động lên kế hoạch xin kinh phí xây dựng thêm phòng học, cùng với đó là chủ động luân chuyển HS từ trường này sang trường khác trong cùng khu vực, nên tất cả HS đều đã có chỗ học ổn định khi bước vào năm học mới.

Trong điều kiện kinh phí dành cho ngành GD-ĐT còn hạn hẹp như hiện nay, việc giải quyết tốt nhu cầu chỗ học cho HS ở một tỉnh có số lượng dân số tăng cơ học cao nhất nhì nước như Bình Dương là một cố gắng lớn của ngành GD-ĐT và chính quyền các cấp. Dẫu biết, đây đó vẫn còn những ý kiến trái chiều của phụ huynh về chỗ học của con em họ, nhưng với số lượng HS tăng thêm “kỷ lục” như vậy thì việc giải quyết ổn thỏa nhu cầu của từng phụ huynh về chỗ học của con em họ đối với ngành GD-ĐT và các trường là không thể.

LÊ QUANG

Chia sẻ