| 13-12-2024 | 10:03:58

Lao động cuối năm: Không nên “nhảy việc” trước tết

 Khi không khí tết đang gần kề, nhiều người lao động đứng trước lựa chọn khó khăn: Tiếp tục công việc hiện tại hay “nhảy việc” để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

 Công việc thời vụ cuối năm đang có sự cạnh tranh lớn nhưng khó ổn định sau tết. Ảnh: THƯỢNG HẢI

 Ông Dương Tấn Minh, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Nhảy việc” hay tìm việc thời vụ thời điểm này rất khó, có thể dẫn tới thất nghiệp dài hạn sau tết”. Theo ông Minh, hàng tuần đều có người lao động đến trung tâm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động ít chọn các công việc đang tuyển ở lĩnh vực sản xuất vì sợ cuối năm sẽ không được nhận thưởng tết vì thời gian làm việc quá ngắn.

Người lao động chú trọng trang bị kỹ năng

Theo bà Vương Mỹ Tuyền, Phó phòng Đào tạo nghiệp vụ, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên và Lao động trẻ tỉnh, người lao động cần nâng cao nhận thức về công việc lâu dài và phát triển nghề nghiệp; nên cân nhắc các cơ hội công việc bền vững thay vì chỉ tập trung vào việc thời vụ ngắn hạn. Người lao động nên tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ để có thêm cơ hội nghề nghiệp ổn định hơn.

Nói về xu hướng “làm cầm chừng” chờ thưởng tết sau đó “nhảy” hoặc nghỉ việc cuối năm, bà Vương Mỹ Tuyền, Phó phòng Đào tạo nghiệp vụ, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên và Lao động trẻ tỉnh, cho biết: “Thưởng tết là động lực lớn đối với người lao động. Tuy nhiên, nếu làm việc chỉ để nhận thưởng rồi nghỉ ngay sau đó sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc duy trì nhân sự. Mặt khác, nhiều người lao động chưa có sự ổn định trong công việc hoặc không thấy phù hợp với vị trí hiện tại nên chọn nghỉ việc cuối năm để tìm cơ hội mới sau tết”.

Theo bà Tuyền, “nhảy” hoặc nghỉ việc cuối năm khiến doanh nghiệp khó duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu hụt lao động, tốn kém chi phí tuyển dụng, đào tạo lao động mới sau tết. Còn người lao động sẽ khó ổn định và phát triển nghề nghiệp dài hạn, đặc biệt dễ bị bóc lột hoặc mất quyền lợi lao động cơ bản khi làm thời vụ.

Để hạn chế tình trạng này, theo Phó phòng Đào tạo nghiệp vụ, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên và Lao động trẻ tỉnh, doanh nghiệp nên cải thiện chính sách đãi ngộ, thưởng linh hoạt và công bằng, không chỉ tập trung vào dịp tết mà còn có các khoản thưởng giữa năm, thưởng theo hiệu quả công việc. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ thêm các phúc lợi như trợ cấp tết, vé xe hoặc quà tặng nhằm tạo sự gắn bó; đồng thời, lắng nghe và giải quyết kịp thời các khiếu nại hoặc khó khăn của nhân viên; lên kế hoạch tuyển dụng và đào tạo lao động từ trước, tránh phụ thuộc vào lao động thời vụ hoặc ứng phó muộn vào cuối năm.

 Người lao động có thể mất thưởng tết hoặc các chế độ phúc lợi khác và khó hòa nhập vào môi trường mới, vì thời gian cuối năm bận rộn, các công ty thường ưu tiên hoàn thành công việc hiện tại hơn là đào tạo nhân viên mới. Tài chính không bảo đảm do thay đổi công việc cuối năm có thể làm gián đoạn thu nhập, đặc biệt là cần thời gian dài tìm kiếm công việc mới hoặc có thu nhập ít hơn trong thời gian thử việc”, chị Trần Huyền Trang, làm việc ở phường Thuận Giao, TP.Thuận An nói về nguy cơ khi “nhảy” hay nghỉ việc vào cuối năm.

 THƯỢNG HẢI

Chia sẻ