| 16-03-2024 | 07:02:44

Liên thông các ngả đường phát triển

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nội tỉnh cũng như kết nối vùng là lĩnh vực nổi trội thể hiện sự chủ động, tầm nhìn phát triển vùng của Bình Dương trong thời điểm hiện tại và thời gian dài trước đó. Từ sự chủ động, tầm nhìn xa, Bình Dương đã xây dựng được mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại tương đối đồng bộ, hiện đại, “gánh vác” được sức nặng của nền kinh tế tỉnh nhà, phần nào đó là của các tỉnh, thành lân cận.

 Phục vụ cho chặng đường phát triển mới, Bình Dương đang quyết liệt để hoàn thành những tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh đầu tư như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường dẫn, cầu Bạch Đằng 2 nối Đồng Nai, đường Tam Lập - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước)… Đặc biệt, Bình Dương đang dốc lực, đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh để kịp hoàn thành theo kế hoạch. Thúc đẩy nhanh dự án này chính là thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo của Chính phủ, đúng tinh thần Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, đồng thời Bình Dương nhìn nhận đúng đắn lợi ích lớn của công trình đối với địa phương và các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ.

Cùng với những công trình giao thông vừa nêu, Bình Dương cũng đã và đang chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng, các bộ, ngành Trung ương để xúc tiến dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bình Dương cũng đã kiến nghị quy hoạch dự án Vành đai 5 để mở rộng không gian, dư địa phát triển. Trước đó, Bình Dương đã chủ động phối hợp cùng Tây Ninh đầu tư xây dựng hoàn thành cầu, đường kết nối hai địa phương, tạo thuận lợi cho cả đôi bên và cả vùng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Không dừng lại ở hạ tầng giao thông đường bộ, cuối năm 2023 Bình Dương đã phối hợp cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư, nâng cấp ga Sóng Thần thành ga liên vận quốc tế, mở ra tuyến vận chuyển hàng hóa với khả năng khai thác cao, an toàn, đi sâu vào các thị trường nhập khẩu quốc tế. Tỉnh nhà cũng chủ động cùng TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu, khảo sát tuyến đường thủy trên sông Sài Gòn để đầu tư, khai thác, thúc đẩy giao thương, đặc biệt là vận tải hàng hóa và du lịch… Sự chủ động hợp tác của các tỉnh, thành trong vùng chính là điều kiện để hỗ trợ, khai thác lợi thế của từng địa phương, tạo nên sức mạnh, động lực cho sự phát triển chung.

 TRIỆU PHONG

 

Chia sẻ