Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thành phố Tân Uyên đang vươn mình mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực; được đánh giá là vùng đất có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển thành vùng kinh tế động lực của Bình Dương. Riêng từ đầu năm đến nay, 24/24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thành phố thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Nhờ có sự bứt phá trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, TP.Tân Uyên luôn là điểm sáng về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư của tỉnh. Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo lãnh đạo TP.Tân Uyên, năm 2024 thành phố tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn, tạo nguồn lực để TP.Tân Uyên phát triển trong giai đoạn mới.
TP.Tân Uyên tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị
Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vào tháng 11-2022 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) III trên địa bàn phường Hội Nghĩa, TP.Tân Uyên, với vốn đầu tư hơn 1,38 tỷ đô la Mỹ. Sau 2 năm triển khai, đến nay nhà máy đã hoàn thành 90% việc xây dựng và lắp đặt máy móc, thiết bị. Mới đây, công ty đã tổ chức lễ vận hành thử nghiệm nhà máy sản xuất (giai đoạn 1 và giai đoạn 1A, công suất 30.000 tấn sản phẩm/ năm). Theo lãnh đạo công ty, việc thử nghiệm và cân chỉnh các máy ép nhựa và dây chuyền đóng gói tại nhà máy đánh dấu cột mốc quan trọng, cho thấy dự án đang triển khai đúng tiến độ. Điều này có được là nhờ sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, sự đồng hành của các đối tác.
Công ty đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm phục vụ các đơn hàng. Tháng 8-2024, chương trình đào tạo chuyên sâu, kết hợp giữa đào tạo trong nước và nước ngoài đã được triển khai tại các nhà máy của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) trên toàn thế giới. Chương trình sẽ kéo dài đến hết quý I-2025, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm nhân viên tham gia tiếp xúc với nhiều công đoạn sản xuất khác nhau, bao gồm ép nhựa, đóng gói, tối ưu quy trình...
Hiện nay, trên địa bàn TP.Tân Uyên có 3 KCN, 3 cụm công nghiệp với hơn 2.500 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 36.000 tỷ đồng; gần 660 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký hơn 5,34 tỷ đô la Mỹ. Thành phố đang có 2 dự án KCN VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước, đó là KCN VSIP II có quy mô 2.045 ha và KCN VSIP III quy mô hơn 1.000 ha.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết thời gian tới thành phố tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị; tăng cường xúc tiến đầu tư vào các KCN hiện có. Thành phố cũng chú trọng phối hợp với Ban Quản lý Các KCN Bình Dương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về công nghiệp, cảng, logistics; tập trung thu hút đầu tư các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh vào các KCN, trọng tâm là KCN VSIP III, KCN Nam Tân Uyên mở rộng.
Thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch
Trong 10 tháng năm 2024, TP.Tân Uyên thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, với sự linh hoạt thích ứng, nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của thành phố vẫn duy trì đà tăng trưởng, phát triển ổn định. UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp; kết quả 24/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra cho năm 2024 (trong đó có 6 chỉ tiêu vượt, 18 chỉ tiêu đạt).
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của thành phố ước thực hiện 42.570 tỷ đồng, tăng 13,19% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết HĐND thành phố; giá trị thương mại và dịch vụ ước thực hiện 32.742 tỷ đồng, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm 2023; thu hút đầu tư trong nước được 430 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng vốn đăng ký hơn 3.033 tỷ đồng (tăng 217 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023); thu hút đầu tư nước ngoài được gần 48,7 triệu đô la Mỹ. Tổng thu ngân sách Nhà nước của thành phố ước thực hiện là 5.539 tỷ đồng, đạt 114% dự toán điều chỉnh tỉnh giao, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết HĐND thành phố năm 2024.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tekcom (KCN Nam Tân Uyên mở rộng)
Ông Đoàn Hồng Tươi cho biết năm 2024, thành phố xác định quan điểm phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025. Kết quả cho thấy, kinh tế của thành phố đã chuyển biến nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Trong thời gian tới, TP.Tân Uyên tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị.
Định hướng năm 2025, TP.Tân Uyên tiếp tục thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển đô thị của địa phương và các quy định của UBND tỉnh. Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng khung như cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, mở rộng đường ĐT742, ĐT747A…; khai thác quỹ đất công xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống người dân; cùng với đó đầu tư các công trình dịch vụ, công cộng bảo đảm các tiêu chí đô thị loại II.
NGỌC THANH